Bản tin pháp lý – Tháng 2, 2015

Những điểm mới đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014

Nguyễn Thu Huyền – Luật sư cộng sự
Dương Lan Hương – Luật sư
Lê Duy Hiếu – Trợ lý pháp lý

Hướng đến mục tiêu tăng cường thu hút và huy động nhiều hơn nữa mọi nguồn vốn và nguồn lực vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, sau nhiều lần sửa đổi và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước,

dự thảo Luật Doanh nghiệp mới (“LDN mới”) đã chính thức được thông qua ngày 26/11/2014 với nhiều thay đổi quan trọng mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế của Việt Nam. Các quy định của LDN mới được đánh giá là (i) giảm thiểu rủi ro thương mại, rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (ii) tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; và (iii) cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và minh bạch.

Về Ngành nghề kinh doanh

Một trong những thay đổi quan trọng của LDN mới là ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; đồng thời không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCNĐKDN”). Thay đổi này giúp cho các doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định linh hoạt hơn trong việc tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới cũng như kịp thời nắm bắt được các cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, LDN mới vẫn yêu cầu ngành, nghề kinh doanh được đề cập trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và sau khi được cấp GCNĐKDN, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố nội dung đăng ký kinh doanh bao gồm thông tin về ngành, nghề kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi ngành nghề kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Theo các quy định này, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn kiểm soát các ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, và các doanh nghiệp đối tác có thể tìm hiểu thông tin về ngành, nghề kinh doanh thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi tiến hành các giao dịch kinh doanh.

Về thời hạn góp vốn của thành viên công ty TNHH

Quy định về thời hạn góp vốn của thành viên công ty TNHH tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của LDN hiện hành đã được luật hóa trong LDN mới và giảm từ 36 tháng xuống còn 90 ngày. Như vậy, thời hạn góp vốn này bằng với thời hạn thanh toán đủ cổ phần đã đăng ký mua của cổ đông công ty cổ phần, tạo ra sự nhất quán và bình đẳng trong quy định về nghĩa vụ góp vốn giữa thành viên công ty TNHH và cổ đông công ty cổ phần.

Về người đại diện theo pháp luật

Quy định mới về tăng số lượng người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần cũng là một điểm thay đổi đáng lưu ý. Theo đó, các doanh nghiệp này có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật; số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật sẽ được quy định tại Điều lệ công ty. Quy định này góp phần bảo đảm doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra với người đại diện theo pháp luật, cũng như cho phép các thành viên, cổ đông có quyền bình đẳng trong việc cử người của mình làm người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, các doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trong trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, người đó bắt buộc phải cư trú tại Việt Nam và khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật, đồng thời vẫn phải chịu trách nhiệm việc thực hiện những quyền và nhiệm vụ đã ủy quyền. Bên cạnh đó, LDN mới cũng quy định chi tiết phương thức xử lý trong trường hợp hết hạn ủy quyền mà không có ủy quyền mới hoặc trường hợp không có ủy quyền mà LDN hiện hành không quy định.

Về Con dấu của doanh nghiệp

Giống với quy định về người đại diện theo pháp luật, LDN mới cho phép doanh nghiệp được chủ động quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải đảm bảo nội dung con dấu thể hiện tên và mã số doanh nghiệp. Theo quy định này, doanh nghiêp có thể có nhiều hơn một con dấu theo quy định hiện hành, tuy nhiên, chưa rõ về việc doanh nghiệp có thể quyết định không sử dụng con dấu hay không. Theo đó, các doanh nghiệp cần chờ hướng dẫn của Chính phủ về nội dung này.
Ngoài ra, LDN mới quy định con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng con dấu. Quy định này phù hợp với việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử hoặc chữ ký mà không cần có con dấu theo các quy định pháp luật chuyên ngành khác, ví dụ như việc kê khai thuế hay quyết toán thuế qua mạng mà chỉ cần chữ ký điện tử, không yêu cầu con dấu.

Về Tỷ lệ biểu quyết

Đối với Công ty cổ phần, tỷ lệ biểu quyết tối thiểu để thông qua các nghị quyết, quyết định của Đại Hội Đồng Cổ Đông về các vấn đề đặc biệt được quy định giảm xuống 65% và 51% đối với các nghị quyết, quyết định khác, thay vì tỷ lệ 75% và 65% theo LDN hiện hành. Quy định mới này phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO mà cho phép áp dụng các tỷ lệ 51% đối với một số điều khoản cụ thể của LDN đồng thời phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đối với công ty TNHH, tỷ lệ biểu quyết ít nhất để thông qua quyết định của Hội đồng Thành viên được giữ nguyên 75% đối với vấn đề quan trọng và 65% đối với vấn đề thông thường “trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác”. Quy định này vẫn chưa rõ ràng liệu doanh nghiệp có được quyền quy định một tỷ lệ biểu quyết ít nhất thấp hơn mức 75% và 65% hay không. Bên cạnh đó, tỷ lệ thông qua quyết định của Hội đồng thành viên dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản cũng được điều chỉnh giảm từ 75% theo quy định LDN hiện hành xuống 65%.

Về thủ tục thành lập doanh nghiệp

LDN mới đã có sửa đổi về trình tự, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phù hợp với các thay đổi của Luật Đầu Tư mới 2014 (“LĐT mới”), cụ thể LDN mới tách biệt giữa GCNĐKDN và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCNĐKĐT”) thay vì quy định GCNĐT đồng thời là GCNĐKDN như quy định của LDN hiện hành; đồng thời, yêu cầu GCNĐKĐT của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có, theo quy định của LĐT mới) là một trong các tài liệu trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định mới này, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam sẽ phải tiến hành thủ tục cấp GCNĐKĐT trước và sau đó tiến hành thủ tục cấp GCNĐKDN. Thay đổi này làm gia tăng thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, thay đổi này được đánh giá là một bước phát triển của LDN và LĐT trong các tình huống mà theo quy định pháp luật chỉ cần điều chỉnh một trong hai loại giấy chứng nhận này.

Một điểm mới khác đáng lưu ý về hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp là “phiếu lý lịch tư pháp” trong trường hợp cơ quan đăng ký doanh nghiệp có yêu cầu nhằm kiểm soát những trường hợp mà cá nhân là đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, LDN mới không quy định rõ các trường hợp hoặc cơ sở để cơ quan đăng ký doanh nghiệp thực hiện việc yêu cầu tài liệu này.

Nhằm cải cách thủ tục hành chính, LDN mới đã đẩy nhanh thời hạn để Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp GCNĐKDN là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ thay vì 05 ngày làm việc theo quy định hiện hành.

Về Doanh nghiệp nhà nước

Theo LDN mới, doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay vì trên 50% theo quy định hiện hành). Những doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 100% sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên.
LDN mới bổ sung một chương mới gồm các quy định về quản trị và yêu cầu công khai thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo các quy định này, việc tổ chức quản lý doanh nghiệp sẽ do

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định theo một trong hai mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu; đồng thời, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu; và công bố trên trang thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh về các thông tin bất thường (phong tỏa tài khoản của công ty, tạm ngừng kinh doanh…) trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện.

Về doanh nghiệp xã hội

LDN mới đã thừa nhận vai trò pháp lý của doanh nghiệp xã hội bên cạnh các hình thức doanh nghiệp khác. Theo đó, một doanh nghiệp được xếp loại là doanh nghiệp xã hội nếu mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp đó nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Các doanh nghiệp xã hội có những quyền và nghĩa vụ riêng biệt, ngoài những quyền và nghĩa vụ đối với một doanh nghiệp thông thường. Quy định về doanh nghiệp xã hội cũng khẳng định lại một lần nữa chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với mô hình doanh nghiệp này và sẽ được cụ thể hóa qua Nghị định của Chính phủ.