BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 2, 2018

Quy định mới về điều kiện đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics

Ngày 30 tháng 12 năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP (“Nghị định 163”) thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP (“Nghị định 140”) về kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Nghị định 163 chính thức có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2018.

1.Phân loại dịch vụ logistics

Nếu như trước đây Nghị định 140 phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm trong đó có nhiều ngành dịch vụ, thì tại Nghị định 163, dịch vụ logistics được phân loại thành 17 mục dịch vụ với quy định rõ ràng và phù hợp hơn với những cam kết của Việt Nam trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc phân loại này không làm hạn chế loại hình dịch vụ logistics khi ghi nhận Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại”.

2.Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài

So với Nghị định 140, Nghị định 163 không quy định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh các ngành dịch vụ logistics đã được mở cửa 100% như: kinh doanh dịch vụ kho bãi; kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải mà quy định các điều kiện áp dụng đối với các ngành dịch vụ logistics khác theo lộ trình mở cửa thị trường tuân thủ theo Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của một số ngành dịch vụ logistics như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa), dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường sắt (không quá 49%);
  • Kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay (không quá 50%);
  • Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ (không quá 51%);
  • Kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và kinh doanh một số các dịch vụ khác (dưới 100%);
  • Kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ (dưới 100% sau ba năm và 100% sau năm năm kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó)

Một điểm mới được ghi nhận trong Nghị định 163 là nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics được phép đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp và đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh bên cạnh việc thành lập doanh nghiệp như quy định tại Nghị định 140.

Ngoài ra, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ logistic chưa có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải có Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

 

Nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương.

 

Ngày 15/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương (“BCT”) (“Nghị định 08”). Tại Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ tổng cộng 675 điều kiện trên 1216 điều kiện kinh doanh được quản lý bởi BCT. Theo đó, các lĩnh vực sau đây được quan tâm đặc biệt:

1.LĨNH VỰC XĂNG DẦU

Nghị định 08 bãi bỏ hoàn toàn Điều 5 quy định về Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu và Điều 10 quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu. Các điều kiện quy hoạch liên quan tới địa điểm sản xuất, quy mô sản xuất đã được giảm thiểu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tự do trong việc lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh xăng dầu phù hợp.

Nghị định đã bãi bỏ những điều kiện liên quan tới hệ thống kho dự trữ, phương tiện vận tải. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu không còn buộc phải sở hữu hoặc đồng sở hữu (có vốn góp ít nhất 51%) đối với hệ thống kho và có khả năng đáp ứng ít nhất 1/3 nhu cầu dự trữ của thương nhân. Điều này cũng áp dụng đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa là 3000m3 kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, Nghị định còn bãi bỏ điều kiện về việc mở rộng quy mô khi yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất bốn (04) cửa hàng bán lẻ mỗi năm cho đến khi đạt tối thiểu một trăm (100) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy vậy, việc không còn quy hoạch cũng có thể dẫn đến tình trạng lộn xộn, các cửa hàng xăng dầu được phân bố thiếu hợp lý, chỉ tập trung vào các đô thị, trục đường lớn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

2.LĨNH VỰC NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Điều kiện duy nhất đối với bên nhượng quyền là việc hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một (01) năm. Dù chưa quy định thực sự rõ ràng, nhưng có thể hiểu điều kiện được gỡ bỏ áp dụng đối với cả thương nhân nhượng quyền gốc và nhượng quyền thứ cấp. Ngoài ra điều kiện đối với Bên nhận quyền và hàng hóa dịch vụ được phép nhượng quyền thương mại cũng đã được bãi bỏ.

3.LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

 Nghị định 08 đã bãi bỏ những quy định không rõ ràng liên quan tới điều kiện của cá nhân, tổ chức khi muốn thiết lập website điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.

Đặc biệt, liên quan tới hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử, Nghị định 08 đã bãi bỏ các điều kiện về có đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập trong đó nêu rõ lĩnh vực hoạt động là đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử; độc lập về mặt tổ chức và tài chính với các thương nhân, tổ chức, cá nhân được đánh giá và chứng nhận về chính sách bảo vệ thông tin cá nhân; có đề án hoạt động chi tiết được Bộ Công Thương thẩm định; có tiêu chí và quy trình đánh giá chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, Nghị định 08 cũng đã bãi bỏ các điều kiện liên quan tới tên miền hợp lệ hay yêu cầu chứng minh tài chính, kỹ thuật trong hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử.

4.LĨNH VỰC HÓA CHẤT

Nghị định 08 đã bãi bỏ các điều kiện về địa điểm, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ, kho chứa và điều kiện về thử nghiệm, phân tích hóa chất liên quan tới điều kiện sản xuất hóa chất Bảng 1.

Việc nới lỏng này có vẻ là một bước đi táo bạo khi việc sản xuất hóa chất mang tính nguy hiểm cao trong khi các điều kiện đảm bảo an toàn lại được giảm thiểu. Tuy nhiên, nếu dựa trên các quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất ngày 09/10/2017 (“Nghị định 113”), việc bãi bỏ các quy định trên chỉ mang tính hình thức khi các điều kiện ngặt nghèo hơn đã được quy định rõ trong Nghị định 113.

5.LĨNH VỰC KINH DOANH THỰC PHẨM THUỘC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BCT

Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của BCT. Trong đó, Nghị định tập trung cắt giảm các quy định liên quan tới điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nổi bật trong đó là việc bãi bỏ điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương. Ngoài ra các quy định liên quan tới cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh cũng được cắt giảm, chẳng hạn như các điều kiện về hệ thống thông gió, chiếu sáng, cung cấp nước; các điều kiện về kho hàng như kho phải có đầy đủ biển tên, có các thiết bị, dụng cụ giám sát nhiệt độ và độ ẩm và sổ sách theo dõi điều kiện kho…; các điều kiện chưa rõ ràng về sự phù hợp của trang thiết bị; các điều kiện về phòng chống động vật, côn trùng và vi sinh vật gây hại cũng được quy định hợp lý hơn.

Ngoài ra Nghị định 08 còn bãi bỏ một số các điều kiện liên quan tới cơ sở sản xuất, trang thiết bị, dung cụ đối với sữa chế biến, sản xuất bia và dầu thực vật. Đặc biệt, toàn bộ các quy định liên quan tới điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đã được bãi bỏ.

Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Nghị định số 08 còn giảm bớt các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuốc lá, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.