BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 09, 2022 – NGHỊ ĐỊNH 25/2022: MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH TẠI VIỆT NAM

Phát hành 09/ 2022

Hà Hải
Luật sư Thành viên

Phan Thị Minh 
Luật sư Cộng sự

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính (“Nghị định 47”), tốc độ phát triển của ngành dịch vụ bưu chính tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu dịch vụ bưu chính tăng từ khoảng 4.135 tỷ đồng năm 2010 lên tới 36.950 tỷ đồng năm 2020, đóng góp vào khoảng 0,8% vào GDP quốc gia. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Nghị định 47 đã bộc lộ một số nội dung không còn phù hợp với thực tế và chưa theo kịp xu thế phát triển của công nghệ hiện đại. Do vậy, ngày 12/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47 (“Nghị định 25”) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên. Nghị định 25 có hiệu lực vào ngày 01/06/2022.  Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định 25:

1. Bãi bỏ quy định về thẩm tra dự án

Trước đây, Nghị định 47 quy định “Dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn dưới 15 tỷ đồng Việt Nam phải được thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư” và “Dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên phải được thẩm tra trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư”. Tuy nhiên, hiện nay quy định này không còn phù hợp với Luật đầu tư 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành. Mặt khác, quy định này còn mang tính chất phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính tại Việt Nam. Do đó, Nghị định 25 đã bãi bỏ quy định này.

2. Bãi bỏ quy định về điều kiện tài chính của doanh nghiệp bưu chính

Nghị định 25 chính thức bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh và mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế do quy định này không có hiệu quả về quản lý nhà nước và tạo rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp.

3. Bổ sung quy định về thông báo, công khai giá cước dịch vụ bưu chính

Việc thông báo giá cước dịch vụ bưu chính không được quy định tại Nghị định 47 mà được quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2012/TT-BTTTT ngày 15 tháng 03 năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Theo quy định này, doanh nghiệp phải thông báo có cơ quan cấp phép bưu chính khi có thay đổi về giá cước dịch vụ bưu chính đang áp dụng và giá cước dịch vụ mới phát sinh trong vòng 30 ngày kể từ ngày giá cước mới có hiệu lực.

Nghị định 25 đã nâng cấp, hoàn thiện quy định về thông báo giá cước dịch vụ bưu chính từ Thông tư 02/2012/TT-BTTTT, trong đó thời hạn doanh nghiệp phải thông báo thay đổi giá cước hoặc áp dụng giá cước phát sinh giảm xuống còn 05 ngày làm việc kể từ ngày giá cước có hiệu lực. Việc thông báo có thể thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến. Cơ quan cấp phép bưu chính có quyền sử dụng thông tin giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo vào mục đích phân tích, tổng hợp, dự báo biến động giá cả thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu và có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra nội dung thông báo giá cước dịch vụ bưu chính theo quy định pháp luật.

Ngoài nghĩa vụ thông báo nêu trên, doanh nghiệp còn có nghĩa vụ công khai giá cước dịch vụ bưu chính kể từ thời điểm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dưới một hoặc một số hình thức như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân. Giá cước dịch vụ bưu chính được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

4. Bãi bỏ yêu cầu phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế – xã hội trong hồ sơ đề nghj cấp giấy phép bưu chính

Trước đây, Nghị định 47 yêu cầu doanh nghiệp xin cấp giấy phép bưu chính phải phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế – xã hội của phương án kinh doanh thông qua các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, chi phí, số lượng lao động, thuế nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong 03 năm tới kể từ năm đề nghị cấp phép trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, xem xét từ thực tiễn thẩm định hồ sơ cấp phép thì Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng nội dung này có rất ít giá trị trong việc chứng minh tính khả thi của phương án kinh doanh, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp, đồng thời quy định này có tính chất can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, Nghị định 25 đã bãi bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính.

5. Giá trị pháp lý của chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi điện tử

Trong bối cảnh dịch vụ bưu chính công nghệ ngày càng phổ biến trên thị trường, Nghị định 25 lần đầu tiên đã bổ sung quy định công nhận giá trị pháp lý của chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi điện tử giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi có giá trị pháp lý như hợp đồng ký kết bằng văn bản giữa các bên.

6. Hồ sơ cấp phép bưu chính phải được nộp trực tuyến

Nghị định 25 yêu cầu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải được nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thay vì nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền về bưu chính như trước đây. Hồ sơ phải nộp cũng được giảm bớt còn 01 bộ thay vì 03 bộ hồ sơ bản giấy (01 bộ gốc và 02 bộ sao) như trước đây. Quy định sửa đổi này phù hợp với bối cảnh các cơ quan nhà nước đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và liên thông, đồng bộ với cải cách thể chế và thủ tục hành chính trên các lĩnh vực như hiện nay.

Việc thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính liên quan đến nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc từ chối hồ sơ sẽ được thực hiện bằng văn bản qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Kết quả giải quyết thủ tục cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được trả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

7. Bổ sung quy định về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính

Nghị định 25 quy định rằng mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định. Đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 25. Quy định này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật chung về khuyến mại để thực hiện “khuyến mại, giảm giá” kéo dài đối với nhóm đối tượng khách hàng lớn, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp bưu chính khác.

8. Sửa đổi, bổ sung các nội dung phải thông báo khi có thay đổi

Theo Nghị định 25, doanh nghiệp được cấp Giấy phép bưu chính và/hoặc văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải thực hiện thủ tục thông báo khi có thay đổi các nội dung sau:

  • Người đại diện theo pháp luật
  • Số điện thoại liên lạc của người đại diện theo pháp luật
  • Vốn điều lệ của doanh nghiệp
  • Giá cước dịch vụ bưu chính
  • Chỉ tiêu chất lượng dịch vụ bưu chính
  • Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính;
  • Các quy định về khiếu nại, bồi thường thiệt hại liên quan đến dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp cung cấp

Theo đó, Nghị định 25 đã quy định rõ hơn các nội dung mà doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải thông báo tới cơ quan cấp phép khi có thay đổi. Ngoài ra, so với quy định trước đây, Nghị định 25 đã bỏ yêu cầu thực hiện thông báo khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở chính và số điện thoại liên hệ của doanh nghiệp.

9. Trách nhiệm lưu giữ thông tin, tài liệu của doanh nghiệp bưu chính

Nghị định 25 bổ sung trách nhiệm lưu trữ tài liệu và thông tin của doanh nghiệp bưu chính như sau: (i) Lưu trữ hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính và chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi tổi thiểu 5 năm; (ii) Lưu trữ thông tin về người gửi, người nhận (họ và tên, địa chỉ và số điện thoại) và thông tin liên quan đến bưu gửi (nội dung gói, kiện hàng hóa, giấy tờ đi kèm khi vận chuyển theo quy định của pháp luật) tối thiểu 01 năm kể từ ngày được cung cấp.

Download pdf version