BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 11, 2019 – LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

QUY ĐỊNH MỚI VỀ LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM


Nguyễn Thu Trang
Trợ lý pháp lý

Luật Kinh doanh bảo hiểm, sau gần 20 năm thi hành, đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để đáp ứng cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Quốc hội đã thông qua Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật số 42”). Luật số 42 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019, trong đó một số nội dung đáng chú ý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm như sau:

1. Bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Đây là loại hình kinh doanh bảo hiểm mới được quy định, cụ thể, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm 5 hoạt động: tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư sửa đổi theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật số 42.

2. Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Tư vấn bảo hiểm với tư cách là một dịch vụ phụ trợ bảo hiểm độc lập có sự khác biệt so với việc tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, do đó, Luật số 42 đã bổ sung khái niệm và quy định điều kiện về trình độ chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm tại Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 1 Điều 93b). Theo đó, ngoài điều kiện về năng lực hành vi dân sự, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có văn bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tư cách pháp nhân và điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nêu trên theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 2 Điều 93b).

Nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ và đảm bảo chế tài thực hiện, Khoản 1, Điều 4 Luật số 42 đã quy định thời hạn 1 năm để tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đáp ứng các điều kiện trên.

3. Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 3 Điều 93a) quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Download pdf version

BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 11, 2019 – NGHỊ ĐỊNH 75/2019

NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CẠNH TRANH

Nguyễn Tú Oanh – Trợ lý luật sư

Nhìn chung, Nghị định 75/2019 ban hành đã đáp ứng và tương thích với những thay đổi, điểm mới tại Luật cạnh tranh 2018 như sau:Ngày 26/09/2019, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP (“Nghị định 75/2019”) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, chính thức có hiệu lực vào ngày 01/12/2019 và thay thế Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 (“Nghị định 71/2014”).

Đối tượng áp dụng của Nghị định 75 tương tự với Luật cạnh tranh 2018. Theo đó, Nghị định 75/2019 áp dụng cả đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Trường hợp tổ chức nước ngoài vi phạm Luật cạnh tranh 2018 có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 75/2019.

Nghị định 75/2019 quy định chi tiết hành vi vi phạm cạnh tranh hơn so với Nghị định 71/2014. Cụ thể, hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh theo Nghị định 75/2019 gồm: (i) Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; (iii) Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế; (iv) Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh; và (v) Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Ngoài chi tiết về hành vi vi phạm cạnh tranh, Nghị định 75/2019 còn nêu chi tiết các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ (trước đây được quy định tại Điều 85 Nghị định 116/2005/ND-CP). Trong đó các tình tiết giảm nhẹ chủ yếu phát sinh từ việc tự nguyện khai báo, khắc phục vi phạm, vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc, vi phạm lần đầu. Ngược lại, tình tiết tăng năng áp dụng đối với vi phạm có tổ chức, vi phạm nhiều lần, tái phạm, cố ý che dấu hành vi vi phạm…

Nghị định 75/2019 đã sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền tương ứng với các quy định được thay đổi tại Luật cạnh tranh 2018. Cụ thể, Nghị định 75/2019 quy định từng mức phạt riêng tối đa cho từng hành vi vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; và tập trung kinh tế và dựa trên tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Điều này giúp các cơ quan có thẩm quyền xác định mức phạt đối với từng hành vi một cách chính xác về bản chất cũng như thuận tiện cho việc áp dụng.

Một điểm thay đổi đáng chú ý nữa là mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Nghị định 75/2019 tăng hơn 10 lần so với Nghị định 71/2014, cụ thể là tăng từ 200 triệu VNĐ lên đến 2 tỷ VND. Sự thay đổi này cho thấy sự quan tâm của các nhà làm luật đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cũng như ý định kiểm soát/hạn chế các vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Đáp ứng theo các điều khoản mới của Luật cạnh tranh 2018, Nghị định 75/2019 đã bổ sung thêm hành vi vi phạm và mức phạt tiền đối với hành vi cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, hình thức xử phạt chính cho hành vi này có thể lên đến 50 triệu VNĐ, ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai.

Cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Thanh tra hoặc Chánh thanh tra Bộ Công thương, trong đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng Cạnh tranh.

Download pdf version