BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 12, 2019 – QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Phạm Quốc Kiên
Trợ lý pháp lý

Ngày 19/11/2019, Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (“Nghị Định 91”). Nghị định ngày sẽ có hiệu lực kể từ ngày 05/01/2020 và thay thế cho Nghị Định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 (“Nghị Định 102”). Ngoài việc hướng dẫn chi tiết hơn so với Nghị Định 102, Nghị Định 91 cũng đã bổ sung thêm một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Bổ sung khái niệm và chế tài xử phạt đối với hành vi “hủy hoại đất”:

Khái niệm “hủy hoại đất” đã được đề cập tới tại Luật đất đai 2013, tuy nhiên lại không hề được nhắc tới tại Nghị Định 102 và đã khiến cho công tác xử lý vi phạm đối với hành vi hủy hoại đất gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy được hạn chế này, Nghị Định 91 đã quy định rõ ràng khái niệm “hủy hoại đất” và các chế tài áp dụng đối với hành vi này.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 15 Nghị Định 91 quy định đối với hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì tùy theo diện tích đất bị hủy hoại, mức xử phạt sẽ dao động từ 2.000.000 đến 150.000.000 đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng cho cá nhân vi phạm và sẽ tăng lên gấp 02 (hai) lần trong trường hợp bên vi phạm là tổ chức. Ngoài ra, tổ chức/cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và sẽ bị Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp người vi phạm không chấp hành.

2. Bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả:

Tại Nghị Định 102, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rải rác tại các điều khoản và chủ yếu bao gồm 03 (ba) biện pháp: buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; và buộc trả lại diện tích đất đã nhận. Tuy nhiên, tới Nghị Định 91, các biện pháp khắc phục hậu quả đã được bổ sung rất chi tiết, cụ thể là có 17 (mười bảy) biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này (ví dụ: buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định). Đáng chú ý, Điều 7 Nghị Định 91 cũng đã quy định cụ thể các phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp đối với từng hành vi vi phạm.

3. Bổ sung nội dung về thời hiệu xử phạt:

Hiện nay, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được áp dụng theo các quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Nghị Định 91 đã quy định cụ thể thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm, đồng thời đưa ra cách xác định thời điểm kết thúc và thời điểm chấm dứt đối với từng hành vi riêng biệt.

4. Bổ sung hành vi không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản (“Chủ Đầu Tư”)

Trước đây, hành vi vi phạm này và chế tài được quy định tại Nghị Định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 (“Nghị Định 139”). Quy định này tại đã bị thay thế bởi Điều 31 Nghị Định 91, theo đó tùy thuộc vào thời gian vi phạm (từ 50 ngày đến trên 12 tháng) và mức độ vi phạm (từ dưới 30 đến trên 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất), mức phạt tiền đối với Chủ Đầu Tư không nộp hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ có thể lên tới 1.000.000.000 đồng/1 dự án.

Download pdf version