BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 06, 2020 – TÓM TẮT DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH (FINTECH) TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG

Đăng ngày 23/06/2020

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để lấy ý kiến. Trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển nhanh chóng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn, bản dự thảo có thể được coi là một trong những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Fintech tại Việt Nam.

1. Định nghĩa Cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech)

Theo định nghĩa tại Dự thảo, Cơ chế thử nghiệm Fintech (sau đây gọi tắt là Cơ chế thử nghiệm) là một cơ chế pháp lý được thiết lập bởi Chính phủ trong đó cho phép các tổ chức tín dụng, công ty cung ứng giải pháp Fintech và tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ Fintech trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý có liên quan.

2. Đối tượng và các lĩnh vực được tham gia Cơ chế thử nghiệm

Ba nhóm đối tượng có liên quan tới hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng dự kiến được tham gia thử nghiệm bao gồm các tổ chức tín dụng, công ty Fintech/Công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với ngân hàng; Công ty Fintech/Công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập. Các lĩnh vực Fintech được tham gia Cơ chế thử nghiệm là thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).

Giải pháp Fintech của các đối tượng xin tham gia thử nghiệm phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chí:

  • Là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh;
  • Là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần đem mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính;
  • Là giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm;
  • Là giải pháp đã được công ty cung ứng giải pháp hoặc tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích;
  • Là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành thử nghiệm;
  • Là giải pháp không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

3. Phạm vi thử nghiệm

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 01-02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thử nghiệm. Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp bao gồm đồng thời 1 trong 3 yếu tố sau: Về địa lý, về hạn mức giao dịch và về số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

4. Đăng kí tham gia Cơ chế thử nghiệm

Tổ chức tín dụng, công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech phải thực hiện việc đăng kí khi tham gia Cơ chế thử nghiệm, hồ sơ đăng kí bao gồm: (1) Đơn đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech; (2) Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; (3) Văn bản mô tả về Cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành đối với Giải pháp Fintech đăng kí thử nghiệm; (4) Đề án mô tả Giải pháp Fintech.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

5. Quy định về giám sát rủi ro, tổng kết đánh giá và xác nhận tốt nghiệp các tổ chức tham gia thử nghiệm

Kết thúc thời gian thử nghiệm, các tổ chức tham gia thử nghiệm phải xây dựng báo cáo tổng kết, bao gồm các thông tin: Sản phẩm đầu ra thử nghiệm, các chỉ số đánh giá thử nghiệm về thành công hay thất bại của giải pháp và kết quả thử nghiệm; báo cáo sự cố và giải quyết khiếu nại của khách hàng và bài học rút ra từ việc thử nghiệm. Ngân hàng Nhà nước căn cứ báo cáo tổng kết và quá trình giám sát trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý bao gồm dừng tham gia thử nghiệm; cấp giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm. Việc được cấp giấy Chứng nhận hoàn thành thử nghiệm là căn cứ để các tổ chức triển khai chính thức ra thị trường. Đồng thời kết quả triển khai thử nghiệm dịch vụ cũng là căn cứ để các cơ quan nhà nước triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với từng loại dịch vụ và công nghệ Fintech.

Download pdf version