BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 11, 2019 – LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

QUY ĐỊNH MỚI VỀ LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM


Nguyễn Thu Trang
Trợ lý pháp lý

Luật Kinh doanh bảo hiểm, sau gần 20 năm thi hành, đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để đáp ứng cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Quốc hội đã thông qua Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật số 42”). Luật số 42 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019, trong đó một số nội dung đáng chú ý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm như sau:

1. Bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Đây là loại hình kinh doanh bảo hiểm mới được quy định, cụ thể, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm 5 hoạt động: tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư sửa đổi theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật số 42.

2. Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Tư vấn bảo hiểm với tư cách là một dịch vụ phụ trợ bảo hiểm độc lập có sự khác biệt so với việc tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, do đó, Luật số 42 đã bổ sung khái niệm và quy định điều kiện về trình độ chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm tại Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 1 Điều 93b). Theo đó, ngoài điều kiện về năng lực hành vi dân sự, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có văn bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tư cách pháp nhân và điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nêu trên theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 2 Điều 93b).

Nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ và đảm bảo chế tài thực hiện, Khoản 1, Điều 4 Luật số 42 đã quy định thời hạn 1 năm để tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đáp ứng các điều kiện trên.

3. Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Khoản 4, Điều 1 Luật số 42 (Khoản 3 Điều 93a) quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Download pdf version

BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 09, 2019

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc Hội đã ban hành Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật số 42”) để phù hợp với các quy định về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Luật số 42 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019 với các điểm liên quan đến Sở hữu trí tuệ cần lưu ý như sau:

1. Tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế
Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu đơn đăng ký được nộp trong vòng 12 tháng tại Việt Nam kể từ ngày:
i. được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế bộc lộ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
ii. được bộc lộ bởi cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp không đúng quy định;
iii. do người không có quyền đăng ký nộp.

Quy định mới của Luật số 42 đã kéo dài thời gian nộp đơn đăng ký sáng chế không bị coi là mất tính mới từ 6 tháng lên 12 tháng và quy định phạm vi đối tượng nộp đơn đăng ký rộng hơn so với quy định cũ của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Luật số 42 còn bổ sung quy định giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ trong các trường hợp trên sẽ không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.

2. Hiệu lực của Hợp đồng sử dụng Nhãn hiệu (“Hợp đồng Li-xăng”)
Kể từ ngày 14/01/2019, Hợp đồng Li-xăng giữa các bên không cần phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ mà vẫn sẽ có hiệu lực pháp lý đối với bên thứ ba.

3. Nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu
Trường hợp có tranh chấp phát sinh do bên thứ ba yêu cầu chấm dứt văn bằng bảo hộ vì nhãn hiệu không được sử dụng trong năm (05) năm liên tiếp thì việc bên nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo Hợp đồng Li-xăng vẫn được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu chủ sở hữu nhãn hiệu.

4. Quyền tự bảo vệ
Luật số 42 quy định tổ chức/ cá nhân là đối tượng của hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu) có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra (bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư).

Ngoài ra còn có những quy định được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Tên gọi, chỉ dẫn là tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý ;
2. Từ chối hoặc hủy bỏ chỉ dẫn địa lý do “có khả năng gây nhầm lẫn” thay vì “sẽ gây nhầm lẫn” với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam ;
3. Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới dạng giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thông nộp đơn trực tuyến ;
4. Bổ sung quy định về Đề nghị quốc tế và xử lý đơn Đề nghị quốc tế để bảo hộ chỉ dẫn địa lý ;
5. Các thiệt hại về vật chất có thể được xác định do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật .