BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 04, 2020 – QUY ĐỊNH MỚI VỀ DỊCH VỤ VÍ ĐIỆN TỬ

Đăng ngày 28/04/2020

Lê Anh Kiên – Trợ lý Pháp lý

Ví điện tử được coi là một công cụ quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp thương mại điện tử và công nghệ tài chính, đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay. Đây là loại hình trung gian thanh toán được quy định lần đầu tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/11/2012 và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 11/12/2014 (“Thông tư 39”), tuy nhiên các văn bản này chưa quy định đầy đủ và cụ thể để điều chỉnh mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động cung ứng Ví điện tử. Do đó, ngày 22/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 (“Thông tư 23”) để hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động cung ứng Ví điện tử. Thông tư 23 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 07/01/2020, trong đó bổ sung một số quy định đáng chú ý như sau:

1. Quy định cụ thể về hồ sơ và thông tin của chủ thể mở Ví điện tử

Thông tư 23 bổ sung quy định về hồ sơ và thông tin của chủ thể mở Ví điện tử đối với cá nhân và tổ chức, trong đó, đối với ví điện tử của cá nhân, hồ sơ phải có các thông tin của chủ thể và giấy tờ chứng minh nhân thân của cá nhân này. Đối với Ví điện tử của tổ chức, hồ sơ cũng yêu cầu thông tin của tổ chức, tài liệu pháp lý của tổ chức và người đại diện hợp pháp của tổ chức.

Trường hợp cá nhân đăng ký mở Ví điện tử có tài khoản thanh toán được mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thì ngoài các tài liệu của chủ thể mở Ví điện tử, cần có thêm tài liệu pháp lý của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và tài liệu chứng minh tư cách giám hộ, đại diện hợp pháp của người/tổ chức đó đối với chủ Ví điện tử.

2. Khách hàng phải hoàn thành liên kết Ví điện tử với tài khoản ngân hàng trước khi sử dụng Ví điện tử

Theo quy định tại Thông tư 23, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải yêu cầu Khách hàng hoàn thành việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ (có gắn với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam) của Khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi Khách hàng sử dụng Ví điện tử. Khách hàng không bị giới hạn số lượng tài khoản ngân hàng được liên kết với Ví điện tử của mình.

3. Phương thức nạp tiền hạn mức nạp tiền vào Ví điện tử

Việc nạp tiền vào Ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của Khách hàng tại ngân hàng hoặc nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở.  Khách hàng có thể sử dụng Ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở và rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của Khách hàng.

Tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng. Hạn mức này không áp dụng đối với Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và Ví điện tử của tổ chức.

4. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo khả năng thanh toán

Để đảm bảo cho quyền lợi của chủ Ví điện tử và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Thông tư 23 quy định Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này và có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.

Download pdf version