Phát hành 06/2021
Hà Thị Hải |
Phan Văn Huy |
Ngày 26 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (“Nghị định 31”) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Nghị định 31 có những nội dung đáng chú ý sau đây:
1. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Tuân thủ cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của Luật đầu tư 2020 là quy định Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp đầu tư vào ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Nghị định 31 đã ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục này quy định 84 ngành, nghề, trong đó bao gồm 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo nguyên tắc chọn – bỏ, Nghị định 31 một lần nữa khẳng định trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Nghị định 31 bổ sung khái niệm “Ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường là ngành, nghề mà theo các điều ước quốc tế về đầu tư Việt Nam không có cam kết, chưa cam kết hoặc bảo lưu quyền ban hành các biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ về tiếp cận thị trường, nghĩa vụ đối xử quốc gia hoặc các nghĩa vụ khác về không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư đó”. Đối với các ngành nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường, điều kiện tiếp cận thị trường sẽ được áp dụng theo quy định pháp luật Việt Nam nếu có. Trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Điều này có nghĩa là, theo quy định của Nghị định 31, về nguyên tắc, sẽ không còn quy trình lấy ý kiến của các Bộ quản lý ngành khi cơ quan đăng ký đầu tư xem xét cấp phép đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
Thay đổi trên đây là một điểm mới rất quan trọng của Luật đầu tư 2020 khi chuyển từ nguyên tắc chọn – cho sang nguyên tắc chọn – bỏ để xem xét áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế 4.0 xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh mới. Tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan quản lý ngành cũng như các cơ quan cấp phép địa phương sẽ mất nhiều thời gian để rà soát, nghiên cứu, thống nhất, triển khai thi hành quy định mới này.
2. Quy định chi tiết nhiều trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư
Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định 31 nói riêng và Luật đầu tư 2020 nói chung là việc tạo hành lang pháp lý cụ thể rõ ràng cho một số hình thức mua bán sáp nhập, điều chỉnh dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng đất. Trước khi Luật đầu tư 2020 và Nghị định 31 ra đời, các hình thức mua bán sáp nhập dự án như tách dự án, sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để góp vốn hoặc hợp tác kinh doanh gặp khó khăn tại nhiều địa phương trên thực tế do chưa có quy định pháp luật cụ thể. Nay, ngoài các hình thức điều chỉnh dự án đã kế thừa từ Luật đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP như:
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế
- Điều chỉnh dự án đầu tư theo bản án, quyết định của tòa án, trọng tài
Nghị định 31 bổ sung thêm các trường hợp điều chỉnh dự án mới gồm:
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là tài sản bảo đảm
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chia, tách, sáp nhập dự án đầu tư
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp
- Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để hợp tác kinh doanh
Các hình thức điều chỉnh dự án mới tại Nghị định 31 được kỳ vọng sẽ góp phần làm sôi động thị trường mua bán sáp nhập dự án, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
3. Điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhằm thắt chặt quản lý hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm hai điều kiện phải đáp ứng đối với trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là: Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật đầu tư; và Đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển. Theo đó, Nghị định 31 bổ sung cơ chế lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện nêu trên đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.
Để làm rõ điều kiện về khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, Nghị định 31 đã đưa ra khái niệm “Khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh” bao gồm nhiều khu vực theo pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; theo pháp luật về cảnh vệ; theo pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; theo quy định của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng; theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế – xã hội; Khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở để bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trên thực tế, đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp Việt Nam, việc xác định một địa điểm cụ thể có thuộc “Khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh” hay không là một công việc khó khăn phức tạp do có rất nhiều văn bản luật liên quan, thậm chí có những văn bản nội bộ của các cơ quan Nhà nước không được công bố.
4. Ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Luật Đầu tư 2020 đã đưa ra một quy định mới có lợi cho nhà đầu tư khi cho phép nhà đầu tư bảo đảm thực hiện dự án bằng việc nộp bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa thay vì bắt buộc phải nộp ký quỹ bằng tiền.
Nghị định 31 đã làm rõ nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng sau khi được chấp thuận nhà đầu tư hoặc phê duyệt kết quả trúng đấu giá, và trước khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư), hoặc trước khi ban hành quyết định giao đất cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp việc bảo đảm thực hiện dự án bằng bảo lãnh của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng sẽ phải nộp số tiền ký quỹ mà nhà đầu tư phải nộp trong trường hợp dự án bị chậm tiến độ đưa vào khai thác vận hành hoặc trường hợp dự án bị cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động (trừ trường hợp chấm dứt dự án để bảo vệ di tích di vật cổ vật bảo vật quốc gia).
5. Bổ sung điều kiện, thủ tục ngừng hoạt động dự án đầu tư
Luật đầu tư 2020 đưa ra quy định mới cho phép nhà đầu tư được ngừng hoạt động của dự án đầu tư (mà không phải là chấm dứt dự án đầu tư). Đặc biệt trường hợp ngừng hoạt động của dự án vì lý do bất khả kháng thì nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động.
Nghị định 31 quy định về điều kiện và trình tự thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư; cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư; dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Tổng thời gian ngừng hoạt động của dự án đầu tư không quá 12 tháng.
6. Thu hút đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Nghị định 31 bổ sung quy định về việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp này. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải thực hiện thủ tục như quy định đối với nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay đăng ký góp vốn mua cổ phần nếu doanh nghiệp đó đáp ứng một trong các điều kiện nhất định của dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
7. Nghị định 31 sửa đổi bổ sung, thay thế bãi bỏ nhiều Nghị định khác
Nghị định 31 có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2021 sửa đổi bổ sung một loạt các Nghị định có liên quan để phù hợp với các thay đổi mới tại Nghị định 31 như:
- Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn;
- Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;
- Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
- Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
- Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị;
- Nghị định 99/2003/NĐ-CP ban hành quy chế khu công nghệ cao;
- Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Đồng thời thay thế và bãi bỏ nhiều nghị định và quy định dưới đây:
- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014;
- Nghị định số 37/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2020 bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài;
- Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
- Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ;
- Nghị định số 79/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản;
- Điều 2 của Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.