Điểm mới của quy định về thuế nhà thầu nước ngoài
Nguyễn Thu Huyền
Luật sư cộng sự
Ngày 06/08/2014, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (“Thông tư 103”), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2014 thay thế Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/04/2012 (“Thông tư 60”).
Các hợp đồng của nhà thầu nước ngoài được ký kết trước ngày Thông tư 103 có hiệu lực tiếp tục được xác định nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN như hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng tại thời điểm ký kết hợp đồng.
So với Thông tư 60, Thông tư 103 bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế mới sau đây:
- Nhà thầu nước ngoài phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo các điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam;
- Nhà thầu nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó nhà thầu nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam.
- Nhà thầu nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng nhà thầu nước ngoài.
- Nhà thầu nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
Căn cứ theo quy định về đối tượng chịu thuế mới nêu trên, các thương nhân nước ngoài thực hiện việc phân phối hàng hóa thông qua các đại lý thương mại tại Việt Nam sẽ thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu do theo Luật Thương mại 2005 quyền sở hữu hàng hóa được xác định là thuộc bên giao đại lý; đồng thời, quyền ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc việc chịu trách nhiệm đối với các chi phí, chất lượng hàng hóa khi phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài cũng sẽ dẫn tới việc tổ chức đó phải chịu thuế đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trên thực tế, các thỏa thuận mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ có thể có một trong các thỏa thuận mà dẫn tới việc bên nước ngoài sẽ thuộc đối tượng chịu thuế nêu trên. Do đó, các bên tham gia hợp đồng đặc biệt là bên Việt Nam cần nắm rõ các quy định nêu trên để tiến hành việc khấu trừ, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà thầu nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa không kèm theo dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam cho dù có kèm điều khoản bảo hành và nhà thầu nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hóa hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công được xác định rõ là không phải chịu thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư 103.
Một điểm mới đáng chú ý nữa của Thông tư 103 áp dụng riêng cho hoạt động xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm theo công trình xây dựng là bên cạnh việc tính thuế trên tổng giá trị hợp đồng, Thông tư 103 cho phép tách riêng giá trị từng hoạt động kinh doanh để tính thuế GTGT và thuế TNDN thay vì chỉ đánh thuế trên tổng giá trị hợp đồng như quy định của Thông tư 60 trước đây. Cụ thể, trường hợp hợp đồng tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì Nhà thầu nước ngoài không phải nộp thuế GTGT trên giá trị nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc thuộc diện không chịu thuế GTGT; đối với từng phần giá trị công việc còn lại theo hợp đồng thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu tương ứng với hoạt động kinh doanh đó. Tương tự với thuế TNDN sẽ được áp dụng tỷ lệ % trên doanh thu tương ứng với từng hoạt động kinh doanh nếu hợp đồng nhà thầu tách riêng được từng hoạt động kinh doanh. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ 3% để tính thuế GTGT và 2% để tính thuế TNDN trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Quy định này cho phép các nhà thầu được linh hoạt trong việc tính toán dựa trên giá trị nguyên vật liệu, máy móc và khối lượng từng công việc để áp dụng phương pháp tính thuế có lợi hơn đối với gói thầu của mình.
Quy định mới về đăng ký khoản vay nước ngoài
Nguyễn Thu Huyền
Luật sư cộng sự
Ngày 15/9/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 25/2014/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Thông tư 25”). Thông tư 25 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2014, bãi bỏ Điều 1 Thông tư 25/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 và Chương I, Mục I Chương IV Thông tư 09/2004/TT-NHNN ngày 21/12/2004.
- Theo Thông tư 25, khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
- Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn (có thời hạn trên 01 (một) năm tính từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài);
- Khoản vay nước ngoài ngắn hạn (có thời hạn đến 01 (một) năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày trả nợ cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài) được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 (một) năm;
- Khoản vay nước ngoài ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ tại thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng).
So với quy định về đăng ký khoản vay nước ngoài trước đây, trường hợp khoản vay nước ngoài ngắn hạn không được gia hạn nhưng còn dư nợ tại thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên mới được quy định thuộc đối tượng phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Việc bổ sung quy định này giúp tăng cường quản lý nhà nước với các hoạt động vay và trả nợ nước ngoài và hạn chế các trường hợp các bên né tránh việc ký các thỏa thuận gia hạn và không làm thủ tục đăng ký mặc dù việc trả nợ được kéo dài hơn 01 (một) năm.
Theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014, vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp: (x) Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; (y) Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay; (z) các trường hợp khác khi được Thống đốc xem xét, chấp thuận. Thông tư 25 theo đó cũng bổ sung các quy định về hồ sơ đăng ký đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam này, trong đó yêu cầu tài liệu chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp; Xác nhận của tổ chức tín dụng nơi Bên đi vay mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay; và Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp được Thống đốc xem xét.
Hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài cũng được bổ sung các tài liệu mới bao gồm: Hồ sơ pháp lý của bên sử dụng vốn vay (đối với trường hợp Bên đi vay không phải là bên sử dụng vốn vay); Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài trong trường hợp khoản vay được sử dụng để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài; Văn bản của tổ chức tín dụng nơi Bên đi vay thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài xác nhận về tình hình rút vốn, trả nợ (gốc và lãi) đến thời điểm đăng ký khoản vay nước ngoài đối với khoản vay thuộc trường hợp (ii) và (iii) nêu trên và các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn phát sinh trong trường hợp phần vốn nhà dầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam đã sử dụng để đáp ứng khoản chi phí chuẩn bị đầu tư được chuyển thành khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thời hạn để Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đăng ký đối với các khoản vay nước ngoài được quy định là 20 (hai mươi) ngày (kéo dài hơn so với thời hạn 15 (mười lăm) ngày theo quy định trước đây) kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ của Bên đi vay. Trường hợp khoản vay bằng đồng Việt Nam được Thống đốc xem xét thì thời hạn là 60 (sáu mươi) ngày.