To overcome the inappropriate points of previous regulations, the Government of Vietnam issued the Nhằm khắc phục những điểm không còn phù hợp trong những quy định trước đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2012/NĐ-CP (“Nghị định 88”) quy định về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam ngày 23 tháng 10 năm 2012. Nghị định 88 có hiệu lực từ ngày 20/12/2012 thay thế Nghị định số 67/CP ngày 31/10/1996 (“Nghị định 67”).
- Các quy định mới đáng chú ý của Nghị định 88
Văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài được phép đặt trụ sở tại Hà Nội hoặc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Ngoại Giao và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến đặt văn phòng thường trú thay vì chỉ được đặt trụ sở tại Hà Nội theo quy định trước đây.
Văn phòng thường trú được thuê trợ lý báo chí và cộng tác viên để hỗ trợ cho hoạt động của Văn phòng thường trú và phóng viên thường trú. Bộ Ngoại Giao sẽ cung ứng trợ lý báo chí cho văn phòng thường trú còn cộng tác viên được văn phòng thường trú đề cử và Bộ Ngoại Giao chấp thuận.
Phóng viên thường trú được cấp Thẻ phóng viên nước ngoài có thời hạn tối đa 12 tháng thay vì thời hạn 6 tháng như trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định 88 là cho phép phóng viên thường trú được trực tiếp phỏng vấn, tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, các lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Việt nam và thực hiện hoạt động báo chí tại địa phương Việt Nam. Theo quy định trước đây, khi tới các địa phương ngoài Hà Nội, phóng viên phải tiếp xúc với các cơ quan ngoại vụ địa phương trước khi tiến hành các hoạt động báo chí.
Nghị định 88 quy định về phóng viên thường trú kiêm nhiệm là phóng viên của văn phòng thường trú khác tại Việt Nam hoặc đang là phóng viên thường trú ở một nước khác. Đây là điểm mà Nghị định 67 trước đây không quy định. Các quy định đối với phóng viên kiêm nhiệm được thực hiện như các quy định đối với phóng viên thường trú.
- Các thủ tục cấp phép đối với phóng viên nước ngoài thường trú
Phóng viên thường trú là phóng viên nước ngoài được báo chí nước ngoài cử làm việc tại Văn phòng thường trú tại Việt Nam.
Cơ quan báo chí nước ngoài phải gửi bộ hồ sơ đề nghị cử phóng viên thường trú tới Bộ Ngoại Giao hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ có văn bản thông báo ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận. Trong trường hợp được chấp thuận, phóng viên nước ngoài hoàn tất thủ tục xin thị thực (nếu thuộc trường hợp yêu cầu thị thực).
Phóng viên thường trú được đề nghị cấp Thẻ phóng viên nước ngoài bằng cách gửi hồ sơ tới Bộ Ngoại Giao. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại Giao sẽ cấp Thẻ phóng viên nước ngoài. Thẻ phóng viên nước ngoài được cấp lại trong trường hợp bị mất và được gia hạn theo quyết định của Bộ Ngoại Giao.
- Các thủ tục cấp phép đối với phóng viên nước ngoài không thường trú và phóng viên đi theo đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam.
Phóng viên không thường trú là phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí ngắn hạn và không được hưởng chế độ phóng viên thường trú.
Phóng viên không thường trú khi có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam phải gửi hồ sơ đề nghị hoạt động thông tin, báo chí tới Bộ Ngoại Giao hoặc có quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan địa diện Việt Nam ở nước ngoài phải gửi chấp thuận bằng văn bản tới phóng viên nước ngoài. Trong trường hợp được chấp thuận, Bộ Ngoại Giao sẽ cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho phóng viên nước ngoài. Phóng viên không thường trú phải mang theo Giấy phép hoạt động báo chí và hộ chiếu khi hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam, phải hoạt động đúng theo mục đích và chương trình đã được ghi trong Giấy phép.
Bên cạnh đó, Nghị định 88 quy định về phóng viên đi theo đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của Đảng và Nhà nước hoặc Bộ Ngoại giao để đưa tin về chuyến thăm, cơ quan chủ quản Việt Nam có trách nhiệm làm các thủ tục xuất – nhập cảnh cần thiết và thông báo cho Bộ Ngoại Giao để phối hợp. Trường hợp phóng viên nước ngoài có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí khác ngoài chương trình hoạt động chính thức của đoàn khách nước ngoài thì phải làm thủ tục như đối với phóng viên không thường trú. Tương tự, phóng viên nước ngoài đi theo đoàn khách thăm Việt Nam theo lời mời của các cơ quan khác tại Việt Nam cũng phải làm thủ tục như đối với phóng viên không thường trú.
- Các thủ tục cấp phép đối với văn phòng thường trú của báo chí nước ngoài tại Việt Nam.
Văn phòng thường trú là văn phòng đại diện của báo chí nước ngoài tại Việt Nam.
Báo chí nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thường trú tới Bộ Ngoại Giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thường trú bao gồm: (i) Văn bản đề nghị (theo mẫu); (ii) Giấy chứng nhận tư cách pháp nhân của báo chí nước ngoài (được hợp pháp hóa lãnh sự); (iii) Thông tin cơ bản về báo chí nước ngoài. Sau 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ cấp Giấy phép lập văn phòng thường trú tại Việt Nam cho cơ quan báo chí nước ngoài nếu được chấp thuận. Giấy phép lập văn phòng thường trú mặc nhiên mất hiệu lực trong trường hợp văn phòng thường trú không có phóng viên thường trú hoạt động tại Việt Nam trong thời hạn 180 ngày liên tục.
Văn phòng thường trú phải thông báo cho Bộ Ngoại Giao địa điểm đặt trụ sở Văn phòng thường trú 30 ngày trước khi chính thức hoạt động tại trụ sở đó. Quy định này khác so với quy định về thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là phải có địa điểm đặt trụ sở xác định (kèm theo bản sao hợp đồng nguyên tắc về việc thuê địa điểm) trước khi làm thủ tục xin cấp phép thành lập.