BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 3, 2018

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa (MBHH) và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị Định 09”) vào ngày 15/01/2018, thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 23”). Điều đặc biệt là Nghị định 09 có hiệu lực ngay từ ngày ban hành, khiến cho các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan đang phải gấp rút nghiên cứu thực hiện.

Nhìn chung so với Nghị định 23, Nghị định 09 đã có một số quy định tiến bộ và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Cam kết gia nhập WTO về mở cửa thị trường phân phối tại Việt Nam. Các điểm chính như sau:

Thu hẹp phạm vi hoạt động phải xin cấp Giấy phép kinh doanh

Một trong những điểm tiến bộ lớn nhất của Nghị định 09 là thu hẹp phạm vi hoạt động phải xin Giấy phép kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước đây các doanh nghiệp FDI phải xin cấp Giấy phép kinh doanh khi thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa, thì nay doanh nghiệp FDI không cần phải xin Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu, và hầu như cũng không phải xin Giấy phép này cho hoạt động nhập khẩu và phân phối bán buôn (chỉ phải xin đối với trường hợp nhập khẩu, phân phối bán buôn hàng hóa là dầu mỡ bôi trơn).

Về các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, Nghị định 23 đã quy định về Giấy phép kinh doanh đối với các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa thuộc Chương IV, Chương V, Chương VI của Luật Thương mại, tuy nhiên trên thực tế hầu như các cơ quan cấp phép địa phương không thực hiện thủ tục này vì lý do chưa có hướng dẫn cụ thể. Nay Nghị định 09 quy định cụ thể hơn về các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa thuộc diện phải xin cấp Giấy phép kinh doanh, và phạm vi các hoạt động phải xin Giấy phép này được thu hẹp hơn so với phạm vi quy định tại Nghị định 23. Các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa phải xin Giấy phép kinh doanh theo Nghị định 09 bao gồm:

  1. Cung cấp dịch vụ logistics, trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  2. Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
  3. Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
  4. Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
  5. Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  6. Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện

Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh đã được điều chỉnh từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành phố trực thuộc TW (“UBND”) thành Sở Công Thương nơi doanh nghiệp FDI đặt trụ sở hoặc địa điểm bán lẻ. Sự điều chỉnh này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính vì thực tế trước nay mặc dù UBND tỉnh là cơ quan cấp phép nhưng thường giao cho Sở Công Thương hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận xử lý hồ sơ và báo cáo UBND tỉnh. Việc điều chỉnh thành Sở Công Thương trực tiếp cấp Giấy phép kinh doanh còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết. Thời gian thực hiện thủ tục rút ngắn còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp không phải hỏi ý kiến Bộ công thương và Bộ chuyên ngành, trong trường hợp phải hỏi ý kiến thì thời gian giải quyết là khoảng 28 ngày, theo Nghị Định 23 tổng thời gian 45 ngày như vậy đã giảm được khoảng 17 ngày.

Nếu như trước đây muốn được cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối thì cơ quan cấp phép đều phải lấy ý kiến Bộ Công Thương, thì nay Nghị định 09 đã không còn yêu cầu cơ quan cấp phép lấy ý kiến Bộ Công Thương khi cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối bán lẻ hầu hết các mặt hàng, trừ một số mặt hàng nhạy cảm (gạo đường, vật phẩm đã ghi hình, sách báo tạp chí). Sự thay đổi này giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp FDI.

Quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở bán lẻ tiếp nhận vốn góp nước ngoài

Nghị định 09 bổ sung quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở bán lẻ nhận vốn góp nước ngoài trở thành doanh nghiệp FDI cũng phải thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Đối với trường hợp đặc biệt này, Nghị định 09 đã bổ sung một thủ tục đặc biệt là thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động. Đây là cơ sở pháp lý cho các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Đáng chú ý là, thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động dường như không bao gồm thủ tục Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế.

Cấp phép cho một số mặt hàng chưa cam kết mở cửa thị trường bao gồm Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí

Trước đây các mặt hàng nêu trên thuộc diện cấm doanh nghiệp FDI nhập khẩu phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên Nghị định 09 đã tạo hành lang pháp lý mới cho phép nhập khẩu phân phối các mặt hàng trên trong một số trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp FDI sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam được xem xét cấp phép nhập khẩu, phân phối bán buôn; doanh nghiệp FDI có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị được xem xét cấp phép để phân phối bán lẻ gạo, đường, vật phẩm ghi hình, sách báo tạp chí tại cơ sở bán lẻ…

Bổ sung một số định nghĩa

Nghị định 09 quy định cụ thể một số định nghĩa như Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, Cửa hàng tiện lợi, Siêu thị mini, Trung tâm thương mại … Tuy nhiên, diễn giải các định nghĩa này cũng như sự khác biệt giữa các định nghĩa tại Nghị định 09 và các văn bản pháp luật hiện hành đang là vấn đề còn gây tranh luận.

Mặc dù Nghị Định 09 đã có những thay đổi tích cực so với Nghị Định 23, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập và có thể gây vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Bổ sung thêm các nội dung ghi nhận trên Giấy phép kinh doanh

Mẫu Giấy phép kinh doanh mới quy định tại Nghị định 09 mặc dù đã bỏ nội dung ghi nhận thông tin các cơ sở bán lẻ, nhưng lại có thêm nhiều nội dung mới được ghi nhận so với mẫu Giấy phép kinh doanh trước đây. Một số nội dung được ghi nhận thêm như: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thông tin về chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập bao gồm tên, nơi đăng ký thành lập hoặc quốc tịch, giá trị vốn góp và tỷ lệ… Thay đổi bất kỳ nội dung nào trong các thông tin trên đều phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh. Như vậy mẫu Giấy phép mới đã tạo thêm thủ tục hành chính so với quy định cũ.

Cách ghi hàng hóa trong hồ sơ và trên Giấy phép kinh doanh

Nghị định 23 có phụ lục hướng dẫn cụ thể cách ghi hàng hóa thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối theo tên nhóm hàng kèm theo mã HS theo đó trước đây các doanh nghiệp FDI phải xuất trình giấy phép có mã HS hàng hóa để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng với cơ quan hải quan. Nghị định 09 đã bỏ hướng dẫn này và không có quy định rõ về cách ghi hàng hóa trên giấy phép khiến cho doanh nghiệp và các cơ quan cấp phép có thể gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Chồng chéo trong việc lấy ý kiến các Bộ ngành

Nghị định 09 yêu cầu Sở Công Thương phải lấy ý kiến Bộ Công Thương trong đa số các trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh, chỉ trừ trường hợp hoạt động bán lẻ hàng hóa không phải là gạo, đường, vật phẩm ghi hình, sách báo tạp chí. Tuy nhiên, đáng lưu ý rằng đối với các hoạt động kinh doanh mà Việt Nam chưa có cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ hoạt động cho thuê hàng hóa, trung gian thương mại, thương mại điện tử …) thì để thực hiện hoạt động kinh doanh này, doanh nghiệp FDI vừa phải thực hiện thủ tục bổ sung mục tiêu dự án tại cơ quan cấp phép đầu tư, vừa phải xin cấp Giấy phép kinh doanh, và cả 02 thủ tục này đều yêu cầu phải có ý kiến của các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Quy định này gây chồng chéo trong việc lấy ý kiến của các Bộ ngành và kéo dài thủ tục hành chính, nếu như thực tế không có một cơ chế cho phép tham chiếu ý kiến mà các Bộ đã ban hành.

Cơ sở bán lẻ thứ nhất cũng phải xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Đây là quy định mới của Nghị định 09 so với Nghị định 23 vốn trước đây không yêu cầu cơ sở bán lẻ thứ nhất phải xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp lách việc cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ và lách việc kiểm tra quy hoạch thương mại bằng cách lập ra nhiều doanh nghiệp giống nhau và mỗi doanh nghiệp vận hành một cơ sở bán lẻ. Vấn đề đáng quan tâm hơn nữa là các doanh nghiệp FDI hiện đang vận hành cơ sở bán lẻ thứ nhất khi có điều chỉnh các nội dung của cơ sở bán lẻ (tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, loại hình, quy mô của cơ sở bán lẻ …) sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất đang hoạt động, trong đó có việc rà soát sự phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý. Nếu như cơ sở bán lẻ thứ nhất đang hoạt động mà không đáp ứng điều kiện về phù hợp quy hoạch khi xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo Nghị định 09 thì hệ quả pháp lý sẽ như thế nào và trách nhiệm của các cơ quan cấp phép cũng như cơ quan quản lý ngành trong quá trình hoạt động của cơ sở đó liệu có được đặt ra?

Siết chặt quản lý đối với cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini

Một trong những điểm đáng lưu ý của Nghị định 09 là việc bổ sung các quy định mới nhằm quản lý mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong bối cảnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có yếu tố nước ngoài được phát triển rầm rộ trong vài năm gần đây. Ngoài việc bổ sung định nghĩa cụ thể về Cửa hàng tiện lợi và Siêu thị mini, Nghị định 09 yêu cầu các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất), thường có diện tích dưới 500m2, kể cả được đặt trong các trung tâm thương mại đã có quy hoạch thương mại, cũng phải thực hiện Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế (ENT), trong khi trước đây không phải thực hiện ENT theo Nghị định 23. Sự khác nhau về quản lý nhà nước trong việc trong cùng một trung tâm thương mại mà cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thì phải thực hiện ENT, cơ sở bán lẻ khác dưới 500m2 lại không phải thực hiện ENT cho thấy sự xiết chặt quản lý của Chính phủ đối với loại hình kinh doanh đang phát triển này.