Phát hành 01/2023
Nguyễn Bích Vân |
Hà Tuấn Việt |
Các biện pháp bảo đảm luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại, hạn chế các tranh chấp phát sinh, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của các chủ thể tham gia vào giao dịch. Đồng thời, các biện pháp bảo đảm còn là công cụ góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này trong trường hợp đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm ra đời xuất phát từ nhu cầu công khai các giao dịch bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào giao dịch, các bên liên quan. Trong những năm gần đây, trước những yêu cầu từ thực tiễn, các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở vững chắc để các tổ chức, cá nhân có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng, đảm bảo an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại.
Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm để thay thế cho Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện, thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm chính thức có hiệu lực vào ngày 15/01/2023 và có những điểm mới đáng lưu ý như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 99/2022/NĐ-CP so với Nghị định 102/2017/NĐ-CP là mở rộng thêm nội dung điều chỉnh về việc đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, đối với các vấn đề không được quy định trong pháp luật về chứng khoán thì việc đăng ký được thực hiện theo quy định liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển được quy định trong Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
2. Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm
Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định có bốn trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản bao gồm: (i) đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan; (ii) đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận; (iii) đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký; (iv) xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký đối với trường hợp quy định tại các điểm trên.
Đây là điểm khác biệt thể hiện ở việc mở rộng về thể chế, phạm vi các biện pháp bảo đảm mà các chủ thể tham gia vào giao dịch có thể lựa chọn để đăng ký so với nội dung của Nghị định 102/2017/NĐ-CP trước đây quy định theo hướng phân loại khá cứng nhắc thành hai nhóm gồm nhóm các biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký (thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản gắn liền với đất, thế chấp tàu bay, tàu biển) và nhóm các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu (thế chấp tài sản là động sản, thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu).
3. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin
Với mục đích đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc đăng ký, cung cấp, trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm, tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định 99/2022/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc thông tin về biện pháp bảo đảm phải được công khai, được cung cấp theo yêu cầu, các thông tin được trao đổi theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định. Đặc biệt trong trường hợp vi phạm bất kỳ nội dung nào trong các nguyên tắc kể trên, Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, Cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm và nội dung thuộc quyền thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo đảm; các bên phải trung thực trong kê khai, cung cấp, trao đổi thông tin; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin được kê khai, được cung cấp, được trao đổi.
4. Hiệu lực của đăng ký
Để đảm bảo tính minh bạch về hiệu quả và hiệu lực của việc đăng ký, đồng thời tách bạch được giữa việc đăng ký biện pháp bảo đảm và việc đăng ký khác liên quan đến tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi là “đăng ký khác”), Nghị định 99/2022/NĐ-CP có các quy định mới về hiệu lực của đăng ký như sau:
- Quy định cụ thể chi tiết, làm rõ về thời điểm phát sinh, thời điểm chấm dứt của hiệu lực đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký khác;
- Hiệu lực của việc đăng ký biện pháp bảo đảm là căn cứ để xác định thời hạn có hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
- Hiệu lực của việc đăng ký khác chỉ là để thông báo, công khai thỏa thuận, cam kết trong giao dịch dân sự; không phải là căn cứ xác định hiệu lực của giao dịch dân sự, hiệu lực đối kháng với người thứ ba;
- Tách bạch giữa hiệu lực của việc xóa đăng ký trong trường hợp biện pháp bảo đảm chấm dứt theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật với hủy đăng ký do hợp đồng bảo đảm bị tuyên vô hiệu theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, Trọng tài hoặc biện pháp bảo đảm được đăng ký tại cơ quan đăng ký không có thẩm quyền.
5. Thẩm quyền của cơ quan đăng ký
Để đảm bảo tính phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo sự minh bạch, thuận lợi về thẩm quyền đăng ký, quản lý nhà nước đối với việc đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định 99/2022/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền đăng ký của Tổng Công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với việc đăng ký liên quan đến chứng khoán đã được đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Đồng thời, bên cạnh quy định thẩm quyền chung, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký, Nghị định 99/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền riêng của từng cơ quan đăng ký, thể hiện cơ chế pháp lý về việc trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký với cơ quan, người có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
6. Về hồ sơ, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin
Về hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin
Để đảm bảo sự minh bạch, thống nhất về hồ sơ đăng ký, tránh làm phát sinh những yêu cầu không phù hợp trong thực tiễn đăng ký, Nghi định 99/2022/NĐ-CP quy định cụ thể các nội dung sau:
- Thông tin phải có trên Phiếu yêu cầu đăng ký; các Biểu mẫu là tài liệu, giấy tờ thuộc thành phần hồ sơ; chữ ký, con dấu trong đăng ký; ngôn ngữ sử dụng trong đăng ký; việc mô tả thông tin về tài sản bảo đảm trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ: động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã được đăng ký tập trung;
- Thành phần hồ sơ đăng ký đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm có tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở; dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở; tài sản hình thành trong tương lai; tài sản là cây hằng năm, công trình tạm; tài sản là dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án trồng cây lâu năm, cây hằng năm, dự án khác có sử dụng đất, chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất sang đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất; hồ sơ đăng ký khác;
- Cụ thể hóa thành phần hồ sơ đăng ký thay đổi đối với trường hợp mua bán quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; hồ sơ xóa đăng ký đối với trường hợp tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; người yêu cầu xóa đăng ký không phải là bên nhận bảo đảm, như: Bên bảo đảm, Cơ quan thi hành án dân sự, Người mua tài sản bảo đảm bị xử lý, Người nhận chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm.
Về thủ tục đăng ký
Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký theo hướng tiếp cận, quy định cụ thể các thủ tục chung, thủ tục riêng theo từng loại tài sản bảo đảm, cụ thể:
- Để đảm bảo bao quát đầy đủ các trường hợp đăng ký, thuận tiện cho việc áp dụng, xác định thẩm quyền của cơ quan đăng ký, Nghị định không quy định chung các trường hợp đăng ký như trước đây mà thay vào đó đã cụ thể hóa các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm theo từng loại tài sản. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp đăng ký khác cũng như thẩm quyền thực hiện việc đăng ký này.
- Để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế sự tùy tiện trong việc từ chối đăng ký và hạn chế rủi ro, phát sinh thêm chi phí cho người yêu cầu đăng ký, Nghị định quy định Cơ quan đăng ký chỉ được từ chối đăng ký khi có căn cứ được quy định cụ thể trong Nghị định. Bên cạnh đó, Nghị định đã cụ thể hóa một số trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai và Chi nhánh vẫn thực hiện việc đăng ký khi thông tin mà các bên thỏa thuận mô tả tài sản bảo đảm không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận hoặc thông tin được lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền.
- Ngoài ra, Cơ quan đăng ký không được từ chối đăng ký vì lý do: tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm, nghĩa vụ được bảo đảm, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác, phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.
- Với mục đích đảm bảo tính phù hợp về thẩm quyền yêu cầu đăng ký theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật liên quan, Nghị định đã quy định về người yêu cầu đăng ký theo hướng tách bạch người có quyền yêu cầu đăng ký lần đầu với người có quyền yêu cầu trong đăng ký thay đổi và xóa đăng ký; quy định cụ thể thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người đại diện trong đăng ký; quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký.
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cũng như đảm bảo tính khả thi trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin, song song với việc tiếp tục quy định việc nộp hồ sơ đăng ký theo phương thức nộp hồ sơ qua môi trường điện tử và nộp hồ sơ đăng ký bằng bản giấy, Nghị định đã quy định cụ thể hơn về quy trình tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ đăng ký của cơ quan đăng ký, trong đó bao gồm các nội dung chính như sau:
- Tách bạch thời hạn giải quyết hồ sơ khi từ chối đăng ký với thời hạn giải quyết hồ sơ để thực hiện đăng ký;
- Quy định về các trường hợp cơ quan đăng ký không thực hiện đăng ký do có sự kiện bất khả kháng trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ đăng ký và thời hạn giải quyết hồ sơ trong trường hợp này;
- Quy định về việc thông báo cho người yêu cầu đăng ký để hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung thành phần hồ sơ; việc gửi giấy tờ, tài liệu tới cơ quan có thẩm quyền để xác minh khi phát hiện có dấu hiệu giả mạo tài liệu và thời hạn giải quyết hồ sơ trong trường hợp này;
- Quy định về phương thức trả kết quả đăng ký phù hợp với phương thức nộp hồ sơ đăng ký, giá trị pháp lý của kết quả đăng ký;
- Quy định về cơ chế, quy trình thực hiện việc đăng ký trên môi trường điện tử.
- Để đảm bảo tính chính xác của thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký, hạn chế các thủ tục đăng ký thay đổi không cần thiết, Nghị định tách biệt giữa các trường hợp bắt buộc phải đăng ký thay đổi với các trường hợp đăng ký thay đổi khi có yêu cầu; thực hiện xóa đăng ký đối với nội dung được đăng ký thay đổi trong trường hợp rút bớt tài sản bảo đảm; làm rõ hơn trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký khi không thực hiện đăng ký đối với trường hợp phải đăng ký thay đổi.
- Với mục đích đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao quát đầy đủ các tình huống phát sinh trong thực tiễn, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu tài sản, chủ thể khác liên quan, Nghị định quy định cụ thể các nội dung sau:
- Các trường hợp xóa đăng ký để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với thay đổi của quy định pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
- Ghi nhận việc xóa đăng ký đối với tài sản được rút bớt đối với trường hợp đăng ký thay đổi do rút bớt tài sản bảo đảm; trường hợp xóa đăng ký một phần nội dung thì không làm thay đổi hoặc chấm dứt hiệu lực đăng ký của nội dung không bị xóa;
- Quy định về trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký trong trường hợp không thực hiện xóa đăng ký khi có căn cứ để việc đăng ký phải xóa;
- Bổ sung quy định về xóa đăng ký đối với trường hợp đăng ký khác
Đánh giá
Qua thời gian áp dụng trên thực tiễn, Nghị định 102/2017/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế thể hiện qua việc chưa bao quát được hết hiệu quả, hiệu lực của việc đăng ký; từ chối đăng ký; thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký; ngôn ngữ sử dụng, chữ ký, con dấu trong đăng ký; trả kết quả đăng ký; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký; việc tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy đăng ký do hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu; cơ chế chỉnh lý thông tin có sai sót; phương thức thanh toán phí đăng ký; nộp hồ sơ đăng ký trên môi trường điện tử; việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với các quy định mới của Nghị định 99/2022/NĐ-CP, các quy trình đăng ký biện pháp bảo đảm đã được đổi mới, hoàn thiện và trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu, minh chứng của sự an toàn, minh bạch về tài sản, giao dịch. Qua đó, người dân và doanh nghiệp có thêm cơ sở pháp lý vững chắc để có thể tiếp cận được các nguồn vốn với chi phí thấp để phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các chủ thể cấp vốn cũng an tâm hơn khi việc cung ứng vốn cho thị trường có cơ chế pháp luật bảo vệ để thực hiện một cách an toàn, ổn định. Ngoài ra, các quy định mới của Nghị định 99/2022/NĐ-CP cũng góp phần giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có được bằng chứng pháp lý chính xác, thuận tiện về biện pháp bảo đảm trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước hoặc trong trường hợp phải tiến hành giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.