THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG

Ngày 13 tháng 06 năm 2019

Chúng tôi, CÔNG TY LUẬT TNHH BIZCONSULT, là một trong những công ty luật danh tiếng nhất Việt Nam, được các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, như Legal500 Asia Law Firms, Asian Legal Business (ALB), Getting The Deal Through (Tạp Chí Mergers & Acquisitions), Global Legal Experts, Asia IP (Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ Châu Á), asialaw (Tạp chí luật Châu Á) v.v… đánh giá và xếp hạng cao trong nhóm các công ty luật hàng đầu chuyên nghiệp tại Việt Nam trong một số lĩnh vực hành nghề chính như Doanh Nghiệp & Thương Mại, Mua Bán & Sáp Nhập Doanh Nghiệp, Tài Chính & Ngân Hàng, Bất Động Sản & Xây Dựng/Hợp Đồng EPC, Dự Án Đầu Tư (Trong Nước & Nước Ngoài), Sở Hữu Trí Tuệ & Nhượng Quyền Thương Mại, Giải Pháp Tranh Chấp & Tranh Tụng (Trọng Tài, Tòa Án). Khách hàng của chúng tôi là các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vui lòng truy cập website: http://www.bizconsult.vn để biết thêm thông tin về chúng tôi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty, chúng tôi cần tuyển dụng một số vị trí làm việc tại thành phố Hà Nội như sau:

1.VỊ TRÍ LUẬT SƯ TRANH TỤNG – Số lượng: 02

Mô tả công việc:

• Hành nghề tư vấn pháp luật, luật sư tranh tụng tại tòa án, trọng tài;
• Chuẩn bị các nghiên cứu, ghi nhớ pháp luật; dự thảo nội dung tư vấn pháp luật theo yêu cầu của luật sư cấp cao hơn;
• Tham gia viết các bài phân tích pháp luật theo sự phân công của công ty;
• Thực hiện các hỗ trợ cần thiết cho luật sư cấp cao hơn, thành viên của công ty trong việc thực hiện các dịch vụ cho khách hàng.

Yêu cầu:

• Đã được cấp Thẻ luật sư;
• Có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm hành nghề tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, trong đó tối thiểu 01 năm kinh nghiệm hành nghề tranh tụng.
• Kỹ năng làm việc theo nhóm tốt;
• Kỹ năng tư vấn, trình bày, thuyết trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh tốt;
• Kỹ năng ứng xử, giao tiếp và giải quyết tình huống tốt;
• Sử dụng các chức năng cơ bản của các phần mềm xử lý văn bản và thuyết trình (MS Word, Excel, Power Point);
• Có trách nhiệm và chịu áp lực cao trong công việc;
• Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật kinh tế loại khá/giỏi, bằng cao học luật sẽ có lợi thế trong đánh giá hồ sơ năng lực tuyển dụng.

Quyền lợi:

  • Được trực tiếp tham gia hỗ trợ xử lý các hồ sơ công việc dưới sự hướng dẫn của các Luật sư Cấp cao của Công ty;
  • Môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và thân thiện;
  • Được các Luật sư Cấp cao của Công ty hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng tư vấn và hành nghề luật sư;
  • Được tham dự các diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam nhằm mở rộng kiến thức và quan hệ;
  • Lương theo năng lực/thỏa thuận;
  • Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội;
  • Các phúc lợi theo quy định của Công ty;
  • Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

2. VỊ TRÍ LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ TRỢ LÝ LUẬT SƯ – Số lượng: 01 Luật sư Tư vấn và 02 Trợ lý Luật sư

Mô tả công việc:

  • Hành nghề tư vấn pháp luật nói chung;
  • Chuẩn bị các nghiên cứu, ghi nhớ pháp luật; dự thảo nội dung tư vấn pháp luật theo yêu cầu của luật sư cấp cao hơn;
  • Tham gia viết các bài phân tích pháp luật theo sự phân công của công ty;
  • Thực hiện các hỗ trợ cần thiết cho luật sư cấp cao hơn, thành viên của công ty trong việc thực hiện các dịch vụ cho khách hàng.

Yêu cầu:

  • Có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm hành nghề tư vấn luật đối với vị trí Luật sư Tư vấn.
  • Tốt nghiệp hoặc sinh viên năm cuối chuyên ngành luật đối với vị trí Trợ lý Luật sư. Có kinh nghiệm thực tập hoặc làm việc tại các công ty luật/văn phòng luật sư là lợi thế.
  • Làm việc toàn thời gian.
  • Tiếng Anh 4 kỹ năng tốt, sử dụng thành thạo tin học văn phòng
  • Có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm.
  • Trung thực, có tính kỷ luật, tận tâm với công việc.

Quyền lợi:

  • Được trực tiếp tham gia hỗ trợ xử lý các hồ sơ công việc dưới sự hướng dẫn của các Luật sư Cấp cao của Công ty;
  • Môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và thân thiện;
  • Được các Luật sư Cấp cao của Công ty hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng tư vấn và hành nghề luật sư;
  • Được tham dự các diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam nhằm mở rộng kiến thức và quan hệ;
  • Lương theo năng lực/thỏa thuận;
  • Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội;
  • Các phúc lợi theo quy định của Công ty;
  • Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp

3. VỊ TRÍ NHÂN VIÊN PHỤ TRÁCH MARKETING/PHÁT TRIỂN – Số lượng: 01

Mô tả công việc:

  • Lên phương án và tổ chức thực hiện các chương trình marketing theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty
  • Quản lý chăm sóc khách hàng (trừ công việc chuyên môn)
  • Phụ trách quản lý và chăm sóc nội dung cho website và các công cụ PR khác của công ty (phối hợp với IT và luật sư);
  • Tìm kiếm và lên lịch đi dự hội thảo, sự kiện marketing cho Luật sư, tham gia cùng luật sư trong các sự kiện để marketing tên tuổi công ty;
  • Quản lý lịch biểu viết bài cho các tạp chí, legal update v.v…
  • Quản lý chăm sóc cập nhật profile công ty, CV nhân sự …

Yêu cầu:

  • Tiếng Anh 04 kỹ năng và tin học văn phòng trôi chảy thành thạo
  • Biết quản trị web là một lợi thế
  • Ngoại hình khá, khả năng giao tiếp và tạo dựng quan hệ tốt
  • Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing hoặc quản lý văn phòng

Quyền lợi:

  • Môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và thân thiện;
  • Lương theo năng lực/thỏa thuận;
  • Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội;
  • Các phúc lợi theo quy định của Công ty;
  • Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp

4. HỒ SƠ YÊU CẦU CHO TẤT CẢ CÁC VỊ TRÍ

Thành phần hồ sơ (bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt)

  • Đơn xin việc;
  • CV năng lực cho vị trí dự tuyển (có ảnh cá nhân trong 01 năm gần nhất).

Hình thức nhận hồ sơ:

  • Trực tiếp tại trụ sở chính của Công ty:

Tầng 3, số 20 phố Trần Hưng Đạo

Quận Hoàn Kiếm

Hà Nội

Thời hạn nhận hồ sơ:  Đến hết ngày 15/07/2019

Lịch phỏng vấn dự kiến: Từ ngày 15/7 – 20/7/2019.

Liên hệ: Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ :

  • Hải: 096 371 8558
  • Huyền: 091 290 8579

 

BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 3, 2018

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa (MBHH) và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị Định 09”) vào ngày 15/01/2018, thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 23”). Điều đặc biệt là Nghị định 09 có hiệu lực ngay từ ngày ban hành, khiến cho các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan đang phải gấp rút nghiên cứu thực hiện.

Nhìn chung so với Nghị định 23, Nghị định 09 đã có một số quy định tiến bộ và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Cam kết gia nhập WTO về mở cửa thị trường phân phối tại Việt Nam. Các điểm chính như sau:

Thu hẹp phạm vi hoạt động phải xin cấp Giấy phép kinh doanh

Một trong những điểm tiến bộ lớn nhất của Nghị định 09 là thu hẹp phạm vi hoạt động phải xin Giấy phép kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước đây các doanh nghiệp FDI phải xin cấp Giấy phép kinh doanh khi thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa, thì nay doanh nghiệp FDI không cần phải xin Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu, và hầu như cũng không phải xin Giấy phép này cho hoạt động nhập khẩu và phân phối bán buôn (chỉ phải xin đối với trường hợp nhập khẩu, phân phối bán buôn hàng hóa là dầu mỡ bôi trơn).

Về các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, Nghị định 23 đã quy định về Giấy phép kinh doanh đối với các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa thuộc Chương IV, Chương V, Chương VI của Luật Thương mại, tuy nhiên trên thực tế hầu như các cơ quan cấp phép địa phương không thực hiện thủ tục này vì lý do chưa có hướng dẫn cụ thể. Nay Nghị định 09 quy định cụ thể hơn về các hoạt động liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa thuộc diện phải xin cấp Giấy phép kinh doanh, và phạm vi các hoạt động phải xin Giấy phép này được thu hẹp hơn so với phạm vi quy định tại Nghị định 23. Các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa phải xin Giấy phép kinh doanh theo Nghị định 09 bao gồm:

  1. Cung cấp dịch vụ logistics, trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  2. Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
  3. Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
  4. Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
  5. Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  6. Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện

Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh đã được điều chỉnh từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành phố trực thuộc TW (“UBND”) thành Sở Công Thương nơi doanh nghiệp FDI đặt trụ sở hoặc địa điểm bán lẻ. Sự điều chỉnh này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính vì thực tế trước nay mặc dù UBND tỉnh là cơ quan cấp phép nhưng thường giao cho Sở Công Thương hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận xử lý hồ sơ và báo cáo UBND tỉnh. Việc điều chỉnh thành Sở Công Thương trực tiếp cấp Giấy phép kinh doanh còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết. Thời gian thực hiện thủ tục rút ngắn còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp không phải hỏi ý kiến Bộ công thương và Bộ chuyên ngành, trong trường hợp phải hỏi ý kiến thì thời gian giải quyết là khoảng 28 ngày, theo Nghị Định 23 tổng thời gian 45 ngày như vậy đã giảm được khoảng 17 ngày.

Nếu như trước đây muốn được cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối thì cơ quan cấp phép đều phải lấy ý kiến Bộ Công Thương, thì nay Nghị định 09 đã không còn yêu cầu cơ quan cấp phép lấy ý kiến Bộ Công Thương khi cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối bán lẻ hầu hết các mặt hàng, trừ một số mặt hàng nhạy cảm (gạo đường, vật phẩm đã ghi hình, sách báo tạp chí). Sự thay đổi này giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp FDI.

Quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở bán lẻ tiếp nhận vốn góp nước ngoài

Nghị định 09 bổ sung quy định cụ thể về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở bán lẻ nhận vốn góp nước ngoài trở thành doanh nghiệp FDI cũng phải thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Đối với trường hợp đặc biệt này, Nghị định 09 đã bổ sung một thủ tục đặc biệt là thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động. Đây là cơ sở pháp lý cho các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Đáng chú ý là, thủ tục cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động dường như không bao gồm thủ tục Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế.

Cấp phép cho một số mặt hàng chưa cam kết mở cửa thị trường bao gồm Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí

Trước đây các mặt hàng nêu trên thuộc diện cấm doanh nghiệp FDI nhập khẩu phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên Nghị định 09 đã tạo hành lang pháp lý mới cho phép nhập khẩu phân phối các mặt hàng trên trong một số trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp FDI sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam được xem xét cấp phép nhập khẩu, phân phối bán buôn; doanh nghiệp FDI có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị được xem xét cấp phép để phân phối bán lẻ gạo, đường, vật phẩm ghi hình, sách báo tạp chí tại cơ sở bán lẻ…

Bổ sung một số định nghĩa

Nghị định 09 quy định cụ thể một số định nghĩa như Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, Cửa hàng tiện lợi, Siêu thị mini, Trung tâm thương mại … Tuy nhiên, diễn giải các định nghĩa này cũng như sự khác biệt giữa các định nghĩa tại Nghị định 09 và các văn bản pháp luật hiện hành đang là vấn đề còn gây tranh luận.

Mặc dù Nghị Định 09 đã có những thay đổi tích cực so với Nghị Định 23, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập và có thể gây vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Bổ sung thêm các nội dung ghi nhận trên Giấy phép kinh doanh

Mẫu Giấy phép kinh doanh mới quy định tại Nghị định 09 mặc dù đã bỏ nội dung ghi nhận thông tin các cơ sở bán lẻ, nhưng lại có thêm nhiều nội dung mới được ghi nhận so với mẫu Giấy phép kinh doanh trước đây. Một số nội dung được ghi nhận thêm như: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thông tin về chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập bao gồm tên, nơi đăng ký thành lập hoặc quốc tịch, giá trị vốn góp và tỷ lệ… Thay đổi bất kỳ nội dung nào trong các thông tin trên đều phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh. Như vậy mẫu Giấy phép mới đã tạo thêm thủ tục hành chính so với quy định cũ.

Cách ghi hàng hóa trong hồ sơ và trên Giấy phép kinh doanh

Nghị định 23 có phụ lục hướng dẫn cụ thể cách ghi hàng hóa thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối theo tên nhóm hàng kèm theo mã HS theo đó trước đây các doanh nghiệp FDI phải xuất trình giấy phép có mã HS hàng hóa để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng với cơ quan hải quan. Nghị định 09 đã bỏ hướng dẫn này và không có quy định rõ về cách ghi hàng hóa trên giấy phép khiến cho doanh nghiệp và các cơ quan cấp phép có thể gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Chồng chéo trong việc lấy ý kiến các Bộ ngành

Nghị định 09 yêu cầu Sở Công Thương phải lấy ý kiến Bộ Công Thương trong đa số các trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh, chỉ trừ trường hợp hoạt động bán lẻ hàng hóa không phải là gạo, đường, vật phẩm ghi hình, sách báo tạp chí. Tuy nhiên, đáng lưu ý rằng đối với các hoạt động kinh doanh mà Việt Nam chưa có cam kết mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ hoạt động cho thuê hàng hóa, trung gian thương mại, thương mại điện tử …) thì để thực hiện hoạt động kinh doanh này, doanh nghiệp FDI vừa phải thực hiện thủ tục bổ sung mục tiêu dự án tại cơ quan cấp phép đầu tư, vừa phải xin cấp Giấy phép kinh doanh, và cả 02 thủ tục này đều yêu cầu phải có ý kiến của các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Quy định này gây chồng chéo trong việc lấy ý kiến của các Bộ ngành và kéo dài thủ tục hành chính, nếu như thực tế không có một cơ chế cho phép tham chiếu ý kiến mà các Bộ đã ban hành.

Cơ sở bán lẻ thứ nhất cũng phải xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Đây là quy định mới của Nghị định 09 so với Nghị định 23 vốn trước đây không yêu cầu cơ sở bán lẻ thứ nhất phải xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp lách việc cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ và lách việc kiểm tra quy hoạch thương mại bằng cách lập ra nhiều doanh nghiệp giống nhau và mỗi doanh nghiệp vận hành một cơ sở bán lẻ. Vấn đề đáng quan tâm hơn nữa là các doanh nghiệp FDI hiện đang vận hành cơ sở bán lẻ thứ nhất khi có điều chỉnh các nội dung của cơ sở bán lẻ (tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, loại hình, quy mô của cơ sở bán lẻ …) sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất đang hoạt động, trong đó có việc rà soát sự phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý. Nếu như cơ sở bán lẻ thứ nhất đang hoạt động mà không đáp ứng điều kiện về phù hợp quy hoạch khi xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo Nghị định 09 thì hệ quả pháp lý sẽ như thế nào và trách nhiệm của các cơ quan cấp phép cũng như cơ quan quản lý ngành trong quá trình hoạt động của cơ sở đó liệu có được đặt ra?

Siết chặt quản lý đối với cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini

Một trong những điểm đáng lưu ý của Nghị định 09 là việc bổ sung các quy định mới nhằm quản lý mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong bối cảnh các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có yếu tố nước ngoài được phát triển rầm rộ trong vài năm gần đây. Ngoài việc bổ sung định nghĩa cụ thể về Cửa hàng tiện lợi và Siêu thị mini, Nghị định 09 yêu cầu các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất), thường có diện tích dưới 500m2, kể cả được đặt trong các trung tâm thương mại đã có quy hoạch thương mại, cũng phải thực hiện Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế (ENT), trong khi trước đây không phải thực hiện ENT theo Nghị định 23. Sự khác nhau về quản lý nhà nước trong việc trong cùng một trung tâm thương mại mà cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thì phải thực hiện ENT, cơ sở bán lẻ khác dưới 500m2 lại không phải thực hiện ENT cho thấy sự xiết chặt quản lý của Chính phủ đối với loại hình kinh doanh đang phát triển này.

BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 2, 2018

Quy định mới về điều kiện đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics

Ngày 30 tháng 12 năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP (“Nghị định 163”) thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP (“Nghị định 140”) về kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Nghị định 163 chính thức có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2018.

1.Phân loại dịch vụ logistics

Nếu như trước đây Nghị định 140 phân loại dịch vụ logistics thành 3 nhóm trong đó có nhiều ngành dịch vụ, thì tại Nghị định 163, dịch vụ logistics được phân loại thành 17 mục dịch vụ với quy định rõ ràng và phù hợp hơn với những cam kết của Việt Nam trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc phân loại này không làm hạn chế loại hình dịch vụ logistics khi ghi nhận Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại”.

2.Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài

So với Nghị định 140, Nghị định 163 không quy định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh các ngành dịch vụ logistics đã được mở cửa 100% như: kinh doanh dịch vụ kho bãi; kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải mà quy định các điều kiện áp dụng đối với các ngành dịch vụ logistics khác theo lộ trình mở cửa thị trường tuân thủ theo Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của một số ngành dịch vụ logistics như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa), dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường sắt (không quá 49%);
  • Kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay (không quá 50%);
  • Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ (không quá 51%);
  • Kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và kinh doanh một số các dịch vụ khác (dưới 100%);
  • Kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ (dưới 100% sau ba năm và 100% sau năm năm kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó)

Một điểm mới được ghi nhận trong Nghị định 163 là nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics được phép đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp và đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh bên cạnh việc thành lập doanh nghiệp như quy định tại Nghị định 140.

Ngoài ra, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ logistic chưa có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải có Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

 

Nghị định sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương.

 

Ngày 15/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương (“BCT”) (“Nghị định 08”). Tại Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ tổng cộng 675 điều kiện trên 1216 điều kiện kinh doanh được quản lý bởi BCT. Theo đó, các lĩnh vực sau đây được quan tâm đặc biệt:

1.LĨNH VỰC XĂNG DẦU

Nghị định 08 bãi bỏ hoàn toàn Điều 5 quy định về Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu và Điều 10 quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu. Các điều kiện quy hoạch liên quan tới địa điểm sản xuất, quy mô sản xuất đã được giảm thiểu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tự do trong việc lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh xăng dầu phù hợp.

Nghị định đã bãi bỏ những điều kiện liên quan tới hệ thống kho dự trữ, phương tiện vận tải. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu không còn buộc phải sở hữu hoặc đồng sở hữu (có vốn góp ít nhất 51%) đối với hệ thống kho và có khả năng đáp ứng ít nhất 1/3 nhu cầu dự trữ của thương nhân. Điều này cũng áp dụng đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa là 3000m3 kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, Nghị định còn bãi bỏ điều kiện về việc mở rộng quy mô khi yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất bốn (04) cửa hàng bán lẻ mỗi năm cho đến khi đạt tối thiểu một trăm (100) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Tuy vậy, việc không còn quy hoạch cũng có thể dẫn đến tình trạng lộn xộn, các cửa hàng xăng dầu được phân bố thiếu hợp lý, chỉ tập trung vào các đô thị, trục đường lớn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

2.LĨNH VỰC NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Điều kiện duy nhất đối với bên nhượng quyền là việc hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một (01) năm. Dù chưa quy định thực sự rõ ràng, nhưng có thể hiểu điều kiện được gỡ bỏ áp dụng đối với cả thương nhân nhượng quyền gốc và nhượng quyền thứ cấp. Ngoài ra điều kiện đối với Bên nhận quyền và hàng hóa dịch vụ được phép nhượng quyền thương mại cũng đã được bãi bỏ.

3.LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

 Nghị định 08 đã bãi bỏ những quy định không rõ ràng liên quan tới điều kiện của cá nhân, tổ chức khi muốn thiết lập website điện tử bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.

Đặc biệt, liên quan tới hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử, Nghị định 08 đã bãi bỏ các điều kiện về có đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập trong đó nêu rõ lĩnh vực hoạt động là đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử; độc lập về mặt tổ chức và tài chính với các thương nhân, tổ chức, cá nhân được đánh giá và chứng nhận về chính sách bảo vệ thông tin cá nhân; có đề án hoạt động chi tiết được Bộ Công Thương thẩm định; có tiêu chí và quy trình đánh giá chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, Nghị định 08 cũng đã bãi bỏ các điều kiện liên quan tới tên miền hợp lệ hay yêu cầu chứng minh tài chính, kỹ thuật trong hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử.

4.LĨNH VỰC HÓA CHẤT

Nghị định 08 đã bãi bỏ các điều kiện về địa điểm, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ, kho chứa và điều kiện về thử nghiệm, phân tích hóa chất liên quan tới điều kiện sản xuất hóa chất Bảng 1.

Việc nới lỏng này có vẻ là một bước đi táo bạo khi việc sản xuất hóa chất mang tính nguy hiểm cao trong khi các điều kiện đảm bảo an toàn lại được giảm thiểu. Tuy nhiên, nếu dựa trên các quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất ngày 09/10/2017 (“Nghị định 113”), việc bãi bỏ các quy định trên chỉ mang tính hình thức khi các điều kiện ngặt nghèo hơn đã được quy định rõ trong Nghị định 113.

5.LĨNH VỰC KINH DOANH THỰC PHẨM THUỘC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BCT

Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của BCT. Trong đó, Nghị định tập trung cắt giảm các quy định liên quan tới điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nổi bật trong đó là việc bãi bỏ điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương. Ngoài ra các quy định liên quan tới cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh cũng được cắt giảm, chẳng hạn như các điều kiện về hệ thống thông gió, chiếu sáng, cung cấp nước; các điều kiện về kho hàng như kho phải có đầy đủ biển tên, có các thiết bị, dụng cụ giám sát nhiệt độ và độ ẩm và sổ sách theo dõi điều kiện kho…; các điều kiện chưa rõ ràng về sự phù hợp của trang thiết bị; các điều kiện về phòng chống động vật, côn trùng và vi sinh vật gây hại cũng được quy định hợp lý hơn.

Ngoài ra Nghị định 08 còn bãi bỏ một số các điều kiện liên quan tới cơ sở sản xuất, trang thiết bị, dung cụ đối với sữa chế biến, sản xuất bia và dầu thực vật. Đặc biệt, toàn bộ các quy định liên quan tới điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đã được bãi bỏ.

Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Nghị định số 08 còn giảm bớt các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuốc lá, điện lực, vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.