BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 04, 2022 – Phiên tòa trực tuyến tại Việt Nam theo quy định mới: Từng bước tiếp cận hệ thống Tòa án điện tử

Phát hành 04/2022 

Nguyễn Đăng Việt
Luật sư thành viên

Nguyễn Ngọc Ly
Trợ lý Luật sư

1. Tổng quan

Đối mặt với vô số khó khăn và trì hoãn giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra, các tòa án trên toàn cầu đã và đang tối ưu hệ thống điện tử của mình để triển khai các tòa án trực tuyến. Sự đổi mới này là giải pháp thích hợp để cân bằng các chỉ thị y tế công cộng với nhu cầu duy trì pháp quyền, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng hàng loạt giải pháp công nghệ để phát triển hệ thống làm việc trực tuyến, giúp các thủ tục tại tòa án được vận hành thông suốt.

Trong vòng 02 năm trở lại đây, được coi là một yếu tố cấu thành nên nền tảng Tòa án điện tử, thuật ngữ “phiên tòa trực tuyến” đã dần được tiếp cận và đề cập đến ở Việt Nam như một giải pháp khả thi để bổ trợ cho các phiên tòa trực tiếp, nhất là khi đại dịch tiếp tục gây gián đoạn hoạt động tố tụng. Tại nhiều quốc gia, nhờ có phiên tòa ảo mà các bên đã không cần đến các phòng xử án thông thường vốn quen thuộc trước đây.

Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 (“Nghị quyết 33”) quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến như một phương thức song hành với các phiên tòa trực tiếp sẵn có.

Đáng lưu ý là Thông tư liên tịch do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ban hành ngày 15/12/2021 (Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, “Thông tư liên tịch 05”) đưa ra hướng dẫn và quy trình tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức bằng các thiết bị nghe nhìn, cho phép người tham gia không cần trực tiếp đến phòng xử án. Dưới góc độ pháp lý, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.[1]

 2. Các trường hợp và thẩm quyền tổ chức phiên tòa trực tuyến

Theo Nghị quyết 33/2021/QH15 (Điều 1.1), Tòa án Nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án đáp ứng đủ 02 điều kiện sau đây:

  • Các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản;
  • Các tài liệu, chứng cứ trong vụ án rõ ràng.

Tuy nhiên, các phiên tòa trực tuyến sẽ không được áp dụng cho:

  • Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước;
  • Vụ án hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự;
  • Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

3. Hướng dẫn chung về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được thực hiện theo nguyên tắc chung về tổ chức xét xử các vụ án được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hành chính 2015. Bên cạnh đó, các cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án Nhân dân tổ chức xét xử trực tuyến là Nghị quyết 33 và Thông tư liên tịch 05 với một số điểm đáng chú ý như sau:

3.1 Nghĩa vụ của các cơ quan thẩm quyền.

Trong giai đoạn chuẩn bị phiên tòa trực tuyến Tòa án điện tử và quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án và các cơ quan hữu quan (bao gồm Viện kiểm sát, cơ sở giam giữ và trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) phải phối hợp có hiệu quả để đảm bảo phiên tòa trực tuyến được tổ chức trong tuân thủ các quy định hiện hành.[2]

Tòa án, với tư cách chủ trì phiên tòa trực tuyến, phải đảm bảo đã có thông báo hợp lý tới tất cả các bên tham gia phiên tòa trực tuyến, từ đó các bên này sẽ có sắp xếp tổ chức kỹ thuật cần thiết để kiểm tra và kết nối nền tảng điện tử.

3.2 Yêu cầu về kỹ thuật và quy trình

Các phiên tòa trực tuyến sẽ được tổ chức bằng cách thiết lập 02 loại điểm cầu.

Điểm cầu trung tâm hoặc phòng xử án trực tuyến có thể đặt tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm do Tòa án lựa chọn, tổ chức theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC với các thành phần bắt buộc tham gia (Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án).

Phòng xử án ảo này phải được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến như hệ thống chiếu sáng, đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh và thiết bị hiển thị hình ảnh, dữ liệu và nguồn điện, v.v.

Đối với hầu hết các phiên tòa dân sự, hành chính hoặc hình sự, các điểm cầu thành phần chỉ cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về không gian, chất lượng hình ảnh, âm thanh để đảm bảo phiên xét xử được truyền trực tuyến. Đối với phiên tòa hình sự có điểm cầu thành phần đặt tại nơi giam giữ thì còn phải đáp ứng  các quy định của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2018 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao quy định phòng xử án.

Những người tham gia không phải là Hội đồng xét xử sẽ tham gia thông qua tối đa 03 điểm cầu thành phần được Tòa án chấp nhận.

Ngoài các thủ tục thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính, phiên tòa trực tuyến cũng đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu khác, [3]ví dụ: kiểm tra giấy tờ tùy thân của người tham gia phiên tòa; phổ biến một số thông tin về phiên tòa trực tuyến khi khai mạc bởi chủ tọa phiên tòa.

3.3.   Yêu cầu chung đối với người tham gia

Để tham dự một phiên tòa trực tuyến, người tham gia phải tuân thủ các quy định đáng chú ý như sau:

  • Luôn để bật camera và âm thanh micro;
  • Không tạo ra tạp âm gây ảnh hưởng mất tập trung;
  • Trang phục phù hợp khi tham dự phiên tòa qua thiết bị ghi hình;
  • Không đi lại hoặc rời đi trong thời gian xét xử trực tuyến trừ khi được chủ tọa phiên tòa cho phép;
  • Đảm bảo bảo mật và an toàn của phiên tòa, không chụp ảnh, ghi âm, phát tán tài liệu trên các phương tiện truyền thông, v.v.
  • Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của tòa án.

4. Kết

Nền Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nhưng được ứng dụng kịp thời vào các phiên tòa trực tuyến, sẽ có khả năng mang lại nhiều lợi ích thực sự cho các bên. Phiên tòa trực tuyến còn tiết kiệm thời gian và chi phí, và dễ dàng tiếp cận. Nếu triển khai tốt, Việt Nam có thể nâng cao năng lực của hệ thống toà án và đảm bảo quy trình tố tụng được giải quyết kịp thời tránh bì trì hoãn và tồn đọng.

[1] Điều 1.2 Nghị quyết 33/2021/QH15

[2] Chương II Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP

[3] Điều 13 Thông tư liên tịch 05

Download pdf version