BẢN TIN PHÁP LÝ – THÁNG 02, 2024 – LUẬT GIÁ 2023

Phát hành Tháng 02/2024

Trịnh Hoàng Liên
Thành viên

 

Hà T. Thu Trang
Trợ lý Luật sư

 

Luật Giá số 16/2023/QH15 (“Lut Giá 2023”) đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 nhằm khắc phục một số hạn chế của Luật Giá 2012 trước những yêu cầu về thay đổi của nền kinh tế. Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 trừ nội dung quy định về chuyên môn của Hội đồng thẩm định giá lùi thời hiệu thi hành đến ngày 1/1/2026. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Luật Giá 2023.

1. Nguyên tắc áp dụng Luật Giá và các Luật khác có liên quan 

Luật Giá 2023 quy định cụ thể hơn về việc áp dụng luật khi các luật khác có quy định về nội dung này. Cụ thể, trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan bao gồm pháp luật về đất đai, nhà ở, điện lực, khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, sở hữu trí tuệ.

2. Kê khai giá

Luật Giá 2023 mở rộng thêm nhiều trường hợp phải thực hiện kê khai giá ngoài trường hợp bắt buộc phải kê khai đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá như Luật giá 2012. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai bao gồm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu; và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Chúng tôi thấy việc mở rộng các đối tượng phải kê khai giá có thể trở thành một dạng “giấy phép con” cho các tổ chức mua bán hàng hóa, dịch vụ. Danh sách các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện kê khai giá không rõ ràng. Việc kê khai giá sẽ được thực hiện ở hai cấp, cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ và cấp địa phương (UBND Tỉnh) theo danh sách các cơ quan này ban hành. Cần chờ quy định chi tiết của Chính phủ để đánh giá liệu thủ tục kê khai có phức tạp, số lượng tổ chức kinh doanh có nhiều, có việc chồng chéo về danh sách phải kê khai giá giữa hai cấp thực hiện này không.

3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính ổn định về nhân sự của doanh nghiệp thẩm định giá và hạn chế các sai phạm trong quá trình thực hiện. Quy định mới tăng yều cầu về số lượng thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp từ ít nhất 3 lên ít nhất 5 thẩm định viên về giá.

Ngoài ra, đối với mỗi loại hình doanh nghiệp lại có các yêu cầu khác bổ sung. Cụ thể: đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh công ty hợp danh phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp. Đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần bổ sung điều kiện tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Đối với chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá, quy định mới yêu cầu tăng số lượng thẩm định viên tại chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá từ ít nhất 2 lên ít nhất 3 thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại chi nhánh.

4. Quy định đối với thẩm định viên

Luật Giá 2023 rút ngắn thời gian làm việc để được đăng ký hành nghề thẩm định giá đối với trường hợp người có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá theo chương trình định hướng ứng dụng theo quy định của pháp luật. Cụ thể tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá của các đối tượng này chỉ cần đủ 24 tháng so với mức chung về tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá đối với những người trình độ đại học chung trở lên từ đủ 36 tháng.

5. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

Luật Giá 2023 đã đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng quy định tại Luật Giá 2012 gồm điện, muối ăn và đường ăn (bao gồm đường trắng và đường tinh luyện) đồng thời bổ sung mặt hàng phân DAP, thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản. Theo đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo Luật Giá 2023 sẽ gồm 9 hàng hóa, dịch vụ là: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Phân đạm, phân DAP, phân NPK; Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; Vắc – xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc quy định ngay trong luật danh mục này đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có kế hoạch kinh doanh phù hợp.

6. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Luật giá 2023 đã bổ sung thêm một tiêu chí về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là: hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, sự khác biệt trong quy định về các loại hàng hoá, dịch vụ định giá nhà nước giữa Luật Giá 2012 và các Luật chuyên ngành đã dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo gây hạn chế cho việc tuân thủ và kiểm soát trên thực tế. Trên cơ sở đó, ngoài tiêu chí về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Luật Giá năm 2023 cũng đã cập nhật danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hướng đồng bộ với các quy định của pháp luật chuyên ngành như bổ sung thêm các dịch vụ ra, vào bến xe; dịch vụ đấu giá tài sản, … vào danh mục.

Download pdf version